image banner

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
NHỚ VỀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ THĂNG

Đi qua hai cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc Việt Nam đã có biết bao người con ngã xuống cho Tổ quốc quyết sinh. Họ là niềm tự hào, niềm tin và lẽ sống của những người mẹ tảo tần, sẵn sàng hy sinh “núm ruột” của mình để giành lại tự do cho dân tộc. Thế hệ hôm nay được hưởng cuộc sống hạnh phúc, ấm no càng thấu hiểu và trân trọng công lao to lớn và đức hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã âm thầm hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình cho Tổ quốc. Cùng với các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước, tại quê hương huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, trong chống Pháp và chống Mỹ, những người mẹ, người vợ ngày đó luôn âm thầm động viên, tiễn chồng, tiễn con ra mặt trận chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu.

Trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã nằm lại trong chiến trường. Sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ được khắc ghi đời đời. Không chỉ vậy, Đảng và Nhà nước ta còn tôn vinh những người mẹ đã sinh ra những người con anh hùng đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thăng, sinh năm 1924, tại xã Tuyên Bình nay thuộc huyện Vĩnh Hưng trong một gia đình nông dân nghèo. Cuộc sống ở vùng nông thôn thời bấy giờ vô cùng khó khăn, bản thân mẹ phải cùng gia đình lao động vất vả từ lúc còn tấm bé. Đi học trường làng được một thời gian ngắn, mẹ phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp cha mẹ.

Anh-tin-bai

Trong 1 lần đoàn công tác của Quân khu 7 về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thăng

(Ảnh: Kim Cương)

Năm 22 tuổi, Mẹ lấy chồng và theo chồng về sống tại Bình Thành Thôn. Lúc này Nhân dân ta đã bước vào cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp. Như bao người thanh niên khác, ông Nguyễn Văn Nhạn chồng mẹ đã tham gia cách mạng và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở xã như xã Đội trưởng rồi Chủ tịch xã.

Năm 1956, Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, nhảy vào Miền Nam và dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm. Mỹ - Diệm ra sức khủng bố đàn áp những người cách mạng, vợ chồng mẹ phải tạm rời xa quê nhà để tránh sự dòm ngó của bọn gián điệp. Trải qua nhiều năm dài sinh sống ở nhiều nơi: Hồng Ngự, Châu Đốc, rồi trở lại Hồng Ngự, nỗi khổ cực tiếp tục đeo đuổi Mẹ. Vợ chồng Mẹ phải cày thuê, cuốc mướn để sinh sống nhưng trong lòng vẫn nuôi ý định tìm đường trở về với cách mạng. Năm 1963, Mẹ cùng gia đình trở lại quê nhà và về sống tại xã Hưng Điền, chồng Mẹ tiếp tục tham gia công tác tại xã Vĩnh Trị với nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tài xã. Đến năm 1966, người con trai lớn của Mẹ - anh Nguyễn Văn Liêu vào làm giao liên. Một thời gian sau, anh bị thương và trở về xã nhà tham gia du kích. Ngày 18/3/1969, trong một trận càn của giặc, chồng và người con lớn của Mẹ đã hy sinh. Cùng một lúc, Mẹ phải đón nhận cả hai nỗi đau, Mẹ hầu như không còn nước mắt để khóc cho chồng và khóc cho con.

Với lòng căm thù giặc, với nghị lực của người phụ nữ đã từng chịu khó, chịu khổ, Mẹ đã tiếp tục con đường của chồng, của con. Là người phụ nữ gương mẫu, Mẹ hăng hái tham gia các phong trào, động viên giúp đỡ mọi người hầu thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Không quản ngại ngày đêm, Mẹ đã lặn lội giăng câu bắt cá, trồng rau tỉa lúa gom góp lương thực để cùng mọi người nuôi quân, chăm sóc cả về tinh thần lẫn vật chất cho con em đang làm nhiệm vụ.

Năm 1972, anh Nguyễn Văn Trường người con trai thứ ba của Mẹ tham gia du kích với mong muốn trả thù cho cha, cho anh. Anh đã cùng đồng đội tham gia các trận chống càn của giặc góp phần làm hạn chế ý đồ bình định của chúng. Ngày 08/11/1974, trong một trận chống càn, anh đã hy sinh khi đang giữ nhiệm vụ Tiểu đội trưởng du kích. Một lần nữa, Mẹ lại phải nhận thêm nỗi đau mất con, nước mắt lại tiếp tục rơi trên đôi mắt già nua của Mẹ.

Sau ngày Miền Nam giải phóng, Mẹ cùng mọi người tiếp tục lao động sản xuất với mong muốn làm thay đổi cuộc sống nơi mảnh đất biên giới xa xôi. Lòng dạ Mẹ vẫn như ngày nào, Mẹ nguyện sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của chồng và các con. Những năm cuối đời, Mẹ đã về sống với người con trai út tại thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng. Vào mùa đông năm 2024 (tháng 11), Mẹ đã qua đời, hưởng thọ 100 tuổi.

Với những đóng góp hy sinh của Mẹ trong kháng chiến, Mẹ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3. Chồng Mẹ - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhạn được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, 02 con của Mẹ - liệt sĩ Nguyễn Văn Liêu và liệt sĩ Nguyễn Văn Trường đều được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1994), Mẹ đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiện “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Anh-tin-bai

Đây là một trong những lần Huyện đoàn tổ chức đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thăng

(Ảnh: Kim Cương)

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng công ơn to lớn, sự bất khuất, trung kiên của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng vẫn trường tồn mãi mãi trong tim của hàng triệu người con đất Việt. Thật khó để kể hết công lao trời biển của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đối với quê hương, đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay nguyện khắc cốt ghi tâm, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, đem sức trẻ xây dựng quê hương Vĩnh Hưng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Người Mẹ Việt Nam Anh hùng tuy không còn trên cõi đời này nhưng tên tuổi Mẹ mãi mãi ngời sáng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Kim Cương
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh