image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Di tích – Danh thắng - Danh nhân

LỄ GIỖ ĐỒN LONG KHỐT

Như đã thành thông lệ, vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 hàng năm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An và chính quyền, nhân dân xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An lại có dịp đoàn viên, sum họp, thắp nén nhang tưởng niệm đến anh linh các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mặt trận Long Khốt (tỉnh Long An) trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Những trận chiến ác liệt không cân sức với kẻ thù, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đoàn kết hiệp đồng, sát cánh cùng với dân quân, du kích và nhân dân địa phương đã anh dũng bám trận địa, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xương máu của các anh hùng liệt sĩ hy sinh tô thắm trang sử hào hùng dân tộc, địa danh Long Khốt đã trở thành vùng đất lịch sử anh hùng. Đã có gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên địa bàn.

"Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia"

Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, từ năm 2007, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Hưng cùng với Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã chọn ngày sinh nhật Bác 19-5 hàng năm để tổ chức lễ tưởng niệm. Đông đảo người dân tại các xã thuộc huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, TP.HCM và một số tỉnh khu vực miền Bắc đã về dự lễ tưởng niệm và thành kính dâng hương, dâng cúng lễ vật của gia đình, quê hương tưởng nhớ đến hương linh của các anh hùng, liệt sĩ.

           Ngày 19/5 hàng năm trở thành ngày hội lớn của nhân dân xã Thái Bình Trung nói riệng và huyện Vĩnh Hưng nói chung. Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời điểm tô thêm nét đẹp truyền thồng của lực lượng Biên phòng góp phần mang lại hạnh phúc cho người dân nơi biên cương và xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc.

LỄ GIỖ TỔ CỔ NHẠC

Trong các lễ  hội dân gian ở Vĩnh Hưng hiện nay còn có một số lễ hội rất đặc biệt, nhưng vẫn chưa được sự để ý của nhiều người, trong đó có Lễ giỗ Tổ cổ nhạc được tổ chức hàng năm tại CLB đờn ca tài tử huyện vào ngày 12 tháng 8 âm lịch.

Hàng năm cứ đến tháng 8 âm lịch, các anh chị em trong CLB đờn ca tài tử huyện chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giỗ Tổ. Địa điểm hành lễ đặt tại nhà tài tử đờn Trần Văn Trung chủ nhiệm CLB ở khu phố Măng Đa. thị trấn Vĩnh Hưng

Lễ giỗ Tổ ngày nay được tổ chức đơn giản hơn nhiều so với những thập niên giữa thế kỷ XX trở về trước.

Trước ngày 11 tháng 8 BCN CLB tổ chức cuộc họp thống nhất về chương trình hành lễ, các bản nhạc tế lễ, hương đăng trà quả, đồ ăn thức uống; quy định về số tiền đóng góp của các thành viên; cử ra thư ký, thủ quỹ và thành lập các ban: tế lễ, tiếp tân, hậu cần…Trong ngày 11/8 người thủ quỹ sau khi nhận niên phí hoặc các lễ vật của các thành viên đóng góp giao lại cho ban hậu cần, sáng ngày 11 ban này cử người đi chợ để mua sắm các thứ cần dùng, đêm hôm đó họ bắt đầu nấu nướng, ban tế lễ cũng có mặt để chỉ đạo trang trí bàn thờ Tổ, sắp xếp nơi hành lễ, chuẩn bị nơi tiếp khách…

Sáng ngày 12 tháng 8 ban tiếp tân đã có mặt thật sớm, chuẩn bị trà nước sắp đặt bàn ghế, phụ giúp ban tế lễ để dâng cúng hoa quả rượu trà do khách mang tới. Ban tiếp tân còn phụ trách cả việc bưng mâm để tế lễ.

Trên bàn thờ Tổ không có ảnh tượng mà chỉ có một bài vị ghi bốn chữ Cổ Nhạc Tổ Sư bằng chữ Hán. Phía trước là một bát hương to, hai bên có bày chân đèn với cặp nến thắp sáng, trên bàn thờ bày ngũ quả và hương hoa, hai bên bàn thờ treo các loại nhạc khí như: đàn kìm, đàn sến, đàn gáo, đàn cò, đàn tranh, đàn độc huyền, đàn lục huyền… phía trước bàn thờ là một cái bàn thấp để dọn cúng thức ăn, phía trước là một khoảng trống lớn có trải đệm hoặc chiếu để tế lễ.

Khoảng 10 giờ bắt đầu hành lễ. Người dự lễ đa số là các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử địa phương và một số ít những người hâm mộ. Mọi người đứng trước bàn thờ bắt đầu thực hiện các nghi thức như: dâng hương, dâng hoa, dâng ngũ quả, dâng bánh, dâng giấy tiền, dâng rượu…  và cầu cho quốc thái dân an. Sau khi tế lễ, mọi người lui về vị trí của mình và cùng ngồi xuống. Tiếng đàn cò hòa cùng các loại đàn sáo mở đầu một bản nhạc lớn; một người được chọn trước bước ra quỳ trước bàn thờ Tổ lạy ba lạy, xong lại cất tiếng ca để hòa với điệu đàn; bản mở đầu này thường là Lưu thủy trường – bản thứ nhất của 20 bản Tổ; buổi lễ tiếp tục bằng sự hòa tấu một số bản trong 19 bản Tổ còn lại là: Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu. Chấm dứt phần lễ hiến Tổ mọi người đứng dậy nghiêm trang bái Tổ.

Sau khi cúng tế, các món ăn lại được dọn ra, những người tham dự vừa ăn vừa uống vừa hòa tấu tiếp tục. Giai đoạn này những người tấu nhạc thực hiện các nhạc bản canh tân, các bài vọng cổ...

Khoảng 2 giờ chiều, buổi lễ chấm dứt, mọi người hướng về linh vị Tổ bái ba bái, sau đó cùng nhau dọn dẹp và tuần tự ra về vui vẻ.

Nói tóm lại Lễ giỗ Tổ cổ nhạc ngày 12 tháng 8 âm lịch được tổ chức hàng năm tại thị trấn Vĩnh Hưng là một lễ hội nhỏ còn mang đậm tính địa phương nhưng đã thu hút đông đảo nghệ nhân, tài tử khắp nơi (Tân Hưng, Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Thạnh, Đồng Tháp)..về hội tụ và là nơi cung cấp những tài liệu quý báu, khó tìm về cổ nhạc cho những người làm công tác văn hóa.

 

LỄ CÚNG RẰM THÁNG GIÊNG

Theo âm lịch, ngày 15 tháng Giêng, ngày rằm trăng tròn đầu tiên của một năm mới. Ngày này còn được gọi là ngày tết Thượng Nguyên

Theo truyền thống văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước vụ mùa gieo trồng thường được bắt đầu vào khoảng 15 tháng giêng, sau một thời gian dài nghỉ tết Nguyên Đán. Người nông dân bắt đầu công việc đồng áng và bắt đầu một vụ mùa, cho nên họ đốt rạ, khai hoang, và hạ điền. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam nét văn hóa này thể hiện rất rõ với ba vụ mùa trong năm "Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng bảy kẻ quảy người không, rằm tháng mười, mười người mười quảy"; hay câu: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà…". Ngày Rằm tháng Giêng từ lâu đã trở thành một trong những ngày lễ quan trọng của các gia đình Việt Nam nói chung, người dân Vĩnh Hưng nói riêng, có thể nói những ngày lễ này đã hòa quyện giữa văn hóa truyền thống và Phật giáo.

Với quan niệm "Lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng giêng", phần lớn các gia đình đều sắm sửa tươm tất mâm cơm để dâng cúng gia tiên trong ngày này, với ước vọng khởi đầu một năm mới ấm no, hạnh phúc. Ngoài mâm cơm cúng gia tiên, xu hướng chọn đến chùa lễ phật để cầu mong một năm mới bình an và hạnh phúc cũng được nhiều người, trong đó có không ít các bạn trẻ lựa chọn. 

Lễ rằm tháng Giêng còn mang ý nghĩa cầu quốc thái dân an, cầu  an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho nhân dân và đất nước. Đây cũng là tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần Đạo pháp và Dân tộc. Cũng xuất phát bởi ý nghĩa thiêng liêng đó, mà trong và trước ngày này  hàng ngàn tín đồ, phật tử cùng đông đảo khách thập phương từ khắp nơi về dâng lễ đầu năm tại Chùa Nổi (Cổ Sơn Tự)  nhằm cầu phúc cho bá tánh nhân dịp đầu năm với sự mong mõi thịnh vượng quanh năm. Tại ngôi chùa này , không khí rằm tháng Giêng diễn ra hết sức sôi nổi nhưng cũng đầy trang nghiêm, việc đi lễ đầu năm của các phật tử đã trở thành nét truyền thống, khi đến dâng hương chỉ được sắm các lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè… Không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… Không sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. 

Lễ Tết Thượng Nguyên - ngày rằm tháng Giêng là một phong tục mang nhiều ý nghĩa và là nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc được duy trì từ nhiều đời nay. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phong tục này vẫn được các thế hệ người dân Vĩnh Hưng gìn giữ và phát huy.         

LỄ VU LAN (CÚNG RẰM THÁNG 7)

Một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã sớm chuyển mình thành ngày lễ có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam nói chung, người dân Vĩnh Hưng nói riêng, đó là ngày lễ Vu Lan. Vào ngày này, hàng ngàn tín đồ phật tử và chư khách thập phương từ khắp nơi hội tụ về ngôi Cổ Sơn Tự (Chùa Nổi) – Vĩnh Hưng để dâng hoa cúng Phật và cũng chính là thể hiện lòng tri ân, báo ân của những người con đối với hai đấng sinh thành và tiếp nối truyền thống quý báu "Uống nước nhớ nguồn" từ ngàn đời nay của dân tộc, làm sôi động cả một vùng quê sông nước.

Vu lan hay còn gọi là Tết Trung nguyên còn được gọi là lễ xá tội vong nhân. Vào ngày này, mọi tù nhân ở địa ngục đều được xá tội, được lên dương gian. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng.

Vu lan báo hiếu là lễ hội văn hóa tâm linh có mặt lâu đời trong truyền thống của dân tộc ta. Ý niệm Vu lan trở thành tâm thức của mỗi người và trở thành lễ hội của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng. Lễ hội Vu lan còn là lễ hội của lòng tri ân, báo ân của hai đấng sinh thành và cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Cũng trong lễ này, mỗi người đều được cài một đóa hồng lên ngực": nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên ơn cha mẹ. Người được hoa hồng sẽ sung sướng vì biết rằng mình còn có mẹ

Đây cũng là dịp để mỗi người gửi lời "tạ ơn cha đã cho con thấy núi rất cao và biển rất tuyệt vời, tạ ơn mẹ đã cho con hơi thở và trái tim nhân ái để làm người".

"Tháng 7 về, mang theo lời nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ về mùa báo hiếu báo ân, ai sinh ra cũng có cội nguồn, cha mẹ, có tấm thân hình hài bé nhỏ và được xã hội nuôi dưỡng nên người, ai ai cũng muốn là một điều gì đó tốt lành, nhiều điều phúc thiện với tất cả tâm thành cầu nguyện cho cha mẹ hiện đời được bình an, hạnh phúc, cha mẹ đã mất được nhẹ nhàng, an vui nơi cõi Phật. Cùng với nghĩa tri ân, gửi đến sự hi sinh ngang trời biển của cha mẹ, hãy dành tặng lời tri ân đến các mẹ Việt Nam anh hùng hòa với trọn cùng ân giang sơn gấm vóc, ân Tổ quốc.

Hàng ngàn năm qua, lễ Vu lan báo hiếu là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa và mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của người Việt.

Ngày lễ Vu lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành một ngày lễ mang đậm nét nhân văn, ngày càng được tô bồi đẹp đẽ, càng ngày làm sáng hơn đạo lí đền ơn đáp nghĩa của dân tộc và con người Vĩnh Hưng.


DI TÍCH CẤP QUỐC GIA GÒ Ô CHÙA

Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa, tọa lạc tại ấp 2, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, cách biên giới Việt Nam- Campuchia khoảng 2 km là một gò đất gồm 3 đỉnh (Gò giữa (gò lớn nhất): 28.246 m2; Gò nhỏ 1: 6000 m2, nằm về hướng Đông Bắc so với Gò giữa nối liền với Gò giữa, trông xa Gò giữa và Gò nhỏ này giống như một Gò có 2 đỉnh; Gò nhỏ 2: 2000 m2 (nằm về hướng Tây Nam so với Gò giữa và rời với gò này) , nổi cao hơn so với mặt ruộng xung quanh khoảng 3m. Dấu tích khảo cổ học chủ yếu là gốm, xuất lộ khắp mặt gò với diện tích gần 6 ha. Gò Ô Chùa được cán bộ bảo tàng Long An phát hiện và năm 1986.

Tháng 5/1997, Bảo tàng Long An phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc khai quật Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa. Qua khai quật thu thập được những hiện vật như: xương, răng động vật, các mộ còn dấu tích di cốt người, các mộ vò có di cốt trẻ em; dọi xe chỉ; nhiều đồ gốm và mãnh gốm chạc ba với kích thước và hình dáng trang trí; nhiều công cụ sắt; hạt chuỗi đá quý, lục lạc và vòng đồng; mãnh khuôn đúc và nồi rót kim loại; nhiều vỏ trấu và hạt lúa.

go o chua.png 

Hố khai quật di tích Gò Ô Chùa, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An.

go o chua 1.png 

Di vật tìm thấy ở di tích Gò Ô Chùa, xã Hưng Điền A, huyễn Vĩnh Hưng tỉnh Long An.

Năm 2004, tiếp tục khai quật và tìm thấy một tượng người, không còn thân, chỉ còn lại phần đầu, tuy tượng không còn nguyên vẹn nhưng dưới góc độ mỹ thuật, đây là một pho tượng đẹp (ảnh 1 và 2). Về kích thước, đầu tượng này có chiều cao 6,6 cm, chiều rộng tại thái dương là 4,4 cm, chiều rộng của vương miện là 5,3 cm, chất liệu đồng thau, bề dày lớp áo đồng là 1,4 mm, cốt tượng gồm có cát mịn và than vữa, tượng được chế tác theo kỹ thuật: cốt, tượng cốt mẫu, khuôn áo. Qua quan sát, tượng cốt được thể hiện rất chuẩn, phần làm nguội công phu, chi tiết chứng tỏ trình độ mỹ thuật và kỹ thuật chế tác đồng đạt ở trình độ cao. Về chi tiết tạo hình, đây là đầu một tượng nam giới, có sọ nở với khuôn mặt hình trái xoan, đầu đội vương miện (nơi đỉnh đầu có vết vỡ của phần chóp của vương miện), tượng có đôi mắt khép hờ, cung chân mày nhô cao và giao nhau ở phần trên sống mũi, tượng có mũi hơi rộng, sống mũi thẳng, miệng mĩm cười với đôi môi hơi dày, đôi tai dài nhưng đã bị gãy mất phần cuối của thùy tai. Qua nghiên cứu và đối sánh tư liệu, có thể đoán định đây là đầu một tượng Phật bằng đồng thau, tạo dáng theo phong cách Thái Lan (Siamoise). Có thể so sánh đầu tượng Phật Gò Ô Chùa với hai tác phẩm tượng Phật cổ của Thái Lan: thứ nhất là đầu tượng Phật đội vương miện (ảnh 3), bằng đồng thau mạ vàng, cao 34,5 cm, thuộc thời kỳ Ayuthia (thế kỷ 15-16), đang được trưng bày tại Bảo tàng Volkerkunde - Munich (CHLB Đức); thứ hai là pho tượng Đức Phật đứng với trang sức hoàng tộc (ảnh 4), bằng đồng thau với lớp pa-tin màu rỉ đồng, cao 39 cm, thuộc phong cách Ayuthia (thế kỷ 15-16), thuộc Sưu tập Stoker - Amsterdam (Hà Lan).

Việc phát hiện hiện vật đầu tượng Phật ở Gò Ô Chùa đã góp phần cho việc tìm hiểu lịch sử phát triển và giao lưu của cư dân cổ ở đây trong quá khứ, mà vào thuở ấy, tượng bằng đồng thau rất hiếm hoi ở vùng đất này.

go o chua 2.png                        Đầu tượng Phật Gò Ô Chùa, đồng thau cao 6,6 cm

go o chua 3.png

Đầu tượng Phật đội vương miện, đồng thau mạ vàng, cao 34,5 cm Pho tượng Phật đứng với trang sức hoàng tộc, đồng thau với lớp Patin màu rỉ đồng, cao 39 cm

Qua khai quật phát hiện và thu thập những hiện vật, có thể xác định Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa thuộc văn hóa Óc Eo ở vùng Đồng Tháp Mười. Gò Ô Chùa  thuộc nhóm những di tích tiền sử ở vùng trũng Đồng Tháp Mười "Văn hóa tiền sử ở đây không tĩnh lặng và không biến mất đột ngột và theo dòng thời gian nó đã tiến hóa những loại hình mới trong giai đoạn chuyển tiếp mà thật sự là giai đoạn hình thành văn hóa Óc Eo từ vài thế kỉ trước công nguyên đến vài thế kỉ sau công nguyên".

Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 02/2004/QĐ-BVHTT ngày 19/01/2004 của Bộ Văn hóa và Thông tin .

 

DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC LÒ GẠCH

 

Di tích khảo cổ học Lò Gạch: tại ấp Lò Gạch, xã Vĩnh Trị. huyện Vĩnh Hưng, có niên đại  lần lượt từ 2.800 năm đến 2.750 năm cách ngày nay.

Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều nền nhà cổ với nhiều lỗ cột, trong từng lớp nền nhà phát hiện vỏ trấu, than và các lớp lá dừa in rõ trên nền đất. Điều đó chứng tỏ người cổ có thể đã biết trồng lúa nước và sử dụng lá dừa nước cho việc dựng nhà ở. Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều bi gốm, mảnh gốm vụn,"chạc gốm" các lớp của nền nhà cổ, mảnh vòng tay bằng xương và đá, công cụ bằng xương... Đặc biệt, trong tầng văn hóa phát hiện một mộ đất với biên và thành mộ rõ ràng, chắc trong nền đất cứng, di cốt còn nguyên vẹn, chiều cao trung bình khoảng 1,5m, dưới cánh tay phải phát hiện một "nút áo" bằng kim loại, theo các nhà chuyên môn di cốt được phát hiện có thể là một phụ nữ.

    Ngoài ra còn phát hiện các lớp đất cháy, than tro, xương động vật, gốm và nhiều đống rác bếp trong tầng văn hóa. Hiện vật thu được gồm: rìu đá, đục đá, bi gốm, công cụ xương, gốm ghè tròn, gốm có lỗ, vòng tay bằng đá, …

Di tích khảo cổ học Lò Gạch được UBND tỉnh Long An công nhận là di tích khảo cổ học tại Quyết định 1101/QĐ-UBND, được công nhận 02/4/2013.

 

lo gach.png
 Toàn cảnh di tích Lò Gạch, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An
logach.png

logach 1.png 

Cảnh khai quật tại di tích Lò Gạch  Xử lý mộ đất
logach 2.png logach 3.png
 Di cốt người trong mộ đất "Nút áo" được tìm thấy
dưới cánh tay phải di cốt người
logach 4.pnglogach 5.png
 Rất nhiều hạt trấu
 được tìm thấy trong tầng văn hóa
 Lá dừa nước in rõ
trên các lớp của nền nhà cổ
logach 6.png logach 7.png
 Nền nhà cổ
được tìm thấy trong tầng văn hóa
 Chất thải động vật được tìm thấy ở hố H2
logach 8.pnglogach 9.png
 Đồ trang sức bằng đá Mảnh vòng tay bằng đá
logach 10.pnglogach 11.png
 Mảnh vòng tay bằng đá và kim loại Rìu đá
logach 12.pnglogach 13.png
 Công cụ bằng xương Mảnh gốm có lổ



DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỒN LONG KHỐT

 Sừng sững trên tuyến đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, đồn Long Khốt tọa lạc tại ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, Đông Bắc huyện Vĩnh Hưng, được thành lập ngày 10-08-1975, phiên hiệu là 773 thuộc Công an vũ trang, sau đổi thành 885, thuộc Bộ Tư lệnh biên phòng Long An, nay là Đồn biên phòng Long Khốt, nằm cách đường biên giới khoảng 700m, phụ trách đoạn biên giới dài 18,2 km, sâu 10 km thuộc 3 xã Thái Trị, Thái Bình Trung và Tuyên Bình.

        Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Long Khốt là một trong những địa danh lịch sử. Nơi đây địch từng đặt chi khu quân sự của quận Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng ngày nay), là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của Sư đoàn 5 anh hùng, trong đó có trận đánh giải phóng chi khu ngày 28-4-1975 lịch sử.

            Cách nay 36 năm, cán bộ, chiến sĩ đồn Long Khốt đã ghi vào lịch sử Bộ đội biên phòng Long An một chiến công oanh liệt: Suốt 43 ngày đêm (14-01-1978 đến 27-02-1978) kiên cường dũng cảm bảo vệ chốt tiền tiêu này của Tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Thành tích ấy đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN; được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích lịch sử ngày 27-2-1997 tại Quyết định Số 500/QĐ.UB.

          Di tích lịch sử Long Khốt hiện đang được lập hồ sơ đề nghị nâng cấp di tích lịch sử cấp quốc gia.

long khot.png 

 

 Sau năm 1975, trước tình hình tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xary gây chiến ở biên giới Tây Nam, toàn tuyến biên giới Long An-Sây-riêng được tăng cường chỉ đạo, chỉ huy, bổ sung lực lượng, bố phòng, xây dựng kế hoạch và phương án sẵn sàng chiến đấu. Ngày 31-12-1977, Thường vụ Tỉnh ủy họp hạ quyết tâm giữ đồn Long Khốt vì đây là vị trí xung yếu, nếu mất, thị trấn Mộc Hóa và gò Măng Đa (thị trấn Vĩnh Hưng ngày nay) sẽ bị cô lập. Với địch, đây là vị trí bàn đạp để gây áp lực trên toàn tuyến biên giới. Chính vì thế, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đã điều động 45% quân số tập trung cho mặt trận Long Khốt. Đồn được hỗ trợ bởi đại đội I,III Công an nhân dân vũ trang, một trung đội trinh sát vũ trang, tiểu đoàn 504, tiểu đoàn 2 trung đoàn Vàm Cỏ và quân dân hai xã Thái Bình Trung,Thái Trị. Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy tiền phương Nguyễn Văn Quang trực tiếp chỉ huy mặt trận này. Riêng lực lượng tại chỗ của đồn là 60 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, do các đồng chí Hoàng Văn Ky (sau đó là Nguyễn Hữu Nòi) làm đồn trưởng và Hoàng Văn Thi làm chính trị viên. Đồn được bố phòng với lũy đất xung quanh cao 1,5m, dày 2,5m. Ngoài lũy đất là rào chống đạn B40 cao 2,5m. Ngoài lớp rào này còn có các lớp rào chống bộ binh, chống đột nhập. Ngoài cùng là giao thông hào chống xe tăng.Tại trung tâm đồn có một công sự chỉ huy, hai công sự cối 82mm, một công sự cứu thương, bốn công sự chiến đấu ở bốn góc đồn và nhiều công sự chiến đấu rải rác trên lũy đất.

        Sau khi tập trung lực lượng áp sát biên giới và tiến hành các đợt đột nhập vào đồn thăm dò, 22 giờ 15 phút đêm 14-01-1978, địch nổ súng ở hướng Tây Bắc, mở đầu cho cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt của các chiến sĩ đồn Long Khốt. Suốt 43 ngày đêm (14-01-1978 đến 27-02-1978), bọn phản động Pôn Pốt-Iêng Xary đã huy động lực lượng lớn (có lúc lên đến cấp trung đoàn) bao vây đồn Long Khốt, tập trung hỏa lực (cối 82mm,105mm,DKZ) mở nhiều đợt tấn công, đột kích, hòng tiêu diệt vị trí tiền tiêu quan trọng này, âm mưu lấn sâu vào nội địa làm bàn đạp cô lập khu vực Mộc Hóa và gò Măng Đa.Trong tương quan lực lượng địch hơn ta gấp nhiều lần, đồn phải chịu hàng ngàn quả đạn pháo, hàng chục đợt tập kích của địch, bị bao vây, cô lập, thiếu lương thực, nước uống, thuốc men, phải chôn cất tử sĩ trong đồn, điều trị thương binh tại chỗ…, nhưng cán bộ, chiến sĩ đồn Long Khốt vẫn kiên cường, vững chắc trên từng vị trí của mình, chiến đấu dũng cảm, quyết bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc.Qua 43 ngày đêm chiến đấu, các chiến sĩ đồn Long Khốt đã bẽ gảy 21 đợt tấn công của địch, tổ chức chiến đấu 28 trận, tiêu diệt tại chỗ 55 tên, bắn bị thương nhiều tên khác, thu nhiều chiến lợi phẩm…, góp phần bảo vệ cuộc sống của hàng vạn đồng bào và thành quả của Đảng bộ và nhân dân các huyện biên giới.

        Chiến công trên của cán bộ, chiến sĩ đồn Long Khốt đã tô thắm truyền thống vẻ vang của Bộ đội biên phòng Long An, góp phần vào thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tỉnh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

        Ngày 22-12-1979 đồn Long Khốt được Nhà nước phong tặng danh hiệu ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN. Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng tặng lẳng hoa cho Đồn và 57 huân chương chiến công cho tập thể và cá nhân cùng nhiều bằng khen./.

 

DI TÍCH LỊCH SỬ GÒ ÔNG LẸT

Gò Ông Lẹt tại ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận, đây là nơi có gò đất cao diện tích khoảng 110ha. Là di tích lịch sử ghi dấu chiến công chống xâm lược của quân đội ta trên chiến trường Long An nói chung và Kiến Tường nói riêng, thời kì 21 năm đánh Mỹ - diệt Ngụy.

go ong let.png 

Tháng 9 năm 1965, Mỹ đã lập căn cứ biệt kích dã chiến cấp đại đội do 4 cố vấn Mỹ chỉ huy tại đây để chốt chặn con đường chiến lược của ta từ biên giới xuống chiến trường Khu 8.

Với quyết tâm đánh bại ý đồ thâm độc của địch, đêm 16 rạng 17 tháng 11 năm 1965, đại đội cơ động tỉnh Kiến Tường phối hợp với Phân đội đặc công thuộc đại đội 918, đơn vị 408 địa phương quân vùng 8 và du kích các xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Tuyên Bình tổ chức trận tập kích đơn vị nầy.Sau 45 phút chiến đấu,ta đã chiếm lĩnh trận địa, diệt và làm bị thương  80 tên biệt kích ( có 2 tên cố vấn Mỹ bị trọng thương ), bắt sống 10 tên, thu 51 súng (1 cối 81 ly, 2 cối 60 ly, 14 trung liên, 34 súng trường), 1 thuyền máy, 3 máy PRC 25 cùng chiều chiến lợi phẩm khác.

Chiến thắng này đánh dấu một bước phát triển của lực lượng vũ trang tỉnh Kiến Tường, là trận đầu tiên đánh bại một đại đội biệt kích do cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy, bẻ gãy hoàn toàn chiến thuật đột kích, phục kích cùng kế hoạch ngăn chặn hành lang và phòng thủ từ xa của địch trong mùa nước nổi, giữ vững hành lang chiến lược, tạo khí thế và gây tiếng vang lớn để thúc đẩy phong trào cách mạng trên vùng Đồng Tháp Mười, tạo điều kiện cho nhân dân trong các ấp chiến lược đấu tranh trở về ruộng vườn cũ sinh sống, buộc địch phải co cụm, cố thủ trong đồn bốt, không còn hung hăng như trước. Chiến thắng Gò Ông Lẹt đã góp phần làm cho kế họach "bình định" của địch bị phá sản, chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ bị thất bại, đại bộ phận nông thôn đã được giải phóng.

          Để tuyên dương chiến công oanh liệt này, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam đã tặng huân chương chiến công giải phóng hạng nhất cho các đơn vị đã chiến đấu anh dũng trong trận này.

          Với ý nghĩa ấy, Gò Ông Lẹt được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 500/QĐ.UB ngày 27/2/1997./.

DI TÍCH VĂN HÓA GÒ CHÙA NỔI

Gò Chùa Nổi hay còn gọi là Cổ Sơn Tự được xây dựng đầu thế kỷ XX, cách thành phố Tân An khoảng 100km về phía Tây Nam. Ngôi chùa cổ này do thiền sư Thiện Nhiêu tạo dựng vào năm 1823, giữa vùng Đồng Tháp Mười bao la, rộng lớn, Nơi đây còn là di chỉ khảo cổ học bởi nhiều hiện vật thời tiền sử, thuộc văn hóa Óc Eo. các nhà khảo cổ đã đào thám sát và phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị như: gốm, công cụ bằng xương, di cốt động vật...Cổ Sơn Tự được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An công nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 28/12/2004 tại Quyết định số 5146/QĐ-UB.

chua noi.png 

Di tích Cổ Sơn Tự (tên dân gian là chùa Nổi) thuộc ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình huyện Vĩnh Hưng, nằm sát hữu ngạn Sông Vàm Cỏ Tây, cách Thị Trấn vĩnh Hưng 9km về phía đông nam, toạ lạc trên gò đất cao 3,5m, có dạng tròn với đường kính khoảng 100m.

Di tích khảo cổ này là một di tích cư trú thời tiền sử được tiếp nối bởi một giai đoạn thuộc văn hoá Óc Eo với dấu tích của một kiến trúc văn hoá Óc Eo nằm bên trên.

Di tích này được phát hiện năm 1996, là một di chỉ cư trú lớn của người tiền sử, chứa đựng nhiều hiện vật có giá trị khảo cổ và niên đại cách ngày nay 2.500 đến 2800 năm.

Gò chùa Nổi là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là trận địa pháo đài phục vụ cho chiến tranh biên giới Tây Nam 1978, góp phần viết nên thành tích anh hùng của xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc của tỉnh Long An. Ngoài ra Gò Chùa Nổi còn chở che cho nhân dân quanh vùng trong những năm lũ lớn tràn về.

Vào mùa nước lũ, khắp nơi đều là nước, nhưng ngôi chùa cổ này được xây dựng trên một gò đất cao, nổi lên như một ngọn núi, chưa hề bị ngập nước nên nhân dân quanh vùng quen gọi là Gò Chùa Nổi, điều này đã thu hút sự hiếu kỳ của du khách. Ngoài ra theo dân gian quanh vùng thì tên "Chùa Nổi" còn xuất phát từ một truyền thuyết nước dâng đến đâu, chùa nổi đến đó. Gò này được dân gian xem như là một ngọn núi với những chòm cây cổ thụ uy nghiêm và ngôi chùa cổ kính. Chữ "cổ" (cổ thụ), "sơn" (núi) và "tự" (chùa) xuất hiện với ý nghĩa đó. Ngoài hai tên gọi trên, chùa còn có tên gọi là chùa Trôm bởi từ lúc lập dựng ngôi chùa đã có 3 cây trôm cổ thụ.

Tuy trải qua bao lần bị tàn phá, huỷ hoại bởi chiến tranh, chùa nổi đã được kiến tạo lại hoàn toàn theo kiểu dáng truyền thống, vẩn trang nghiêm, cổ kính bên con sông Vàm Cỏ Tây hiền hoà và giữa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông tràm lúa. Đứng bên bờ Đông sông Vàm Cỏ Tây nhìn sang, mặc dù tháng 11 nước đã rút gần cạn Gò Chùa Nổi vẫn như nổi lên từ đồng nước, nước cao sát mép tam cấp của cổng tam quan chùa, ngôi chùa thấp thoáng dưới những chòm cây cổ thụ. Ngoài những cây cảnh, bồ đề còn có những cây cổ thụ trên 200 năm tuổi như trôm, sao, dầu… góp phần tạo thêm nét cổ kính cho ngôi chùa.

Chùa có kiến trúc theo lối cổ truyền chữ tam, mái ngói, mặt dựng nhưng được xây cất bằng các vật liệu hiện đại như bê tông, cốt sắt ở rường cột, rui mè… và các trang trí khác trong và ngoài chùa.

Cổng tam quan quay mặt ra hướng đông sông Vàm Cỏ Tây. Cổng có mái ngói tây, cột bê tông. Trên mái cổng chính trang trí đôi rồng chầu bánh xe luân hồi, trên bảng cổng chính có viết chữ bằng sơn " cổ sơn tự" bằng chữ Hán và chữ Việt. Hai mặt chính diện của cột cổng chính có viết bằng sơn đôi câu đối chữ Hán, phần trên hai cổng tả hữu phần kề mái có trang trí theo lối chấn song.

Cũng như các ngôi chùa khác ở Nam bộ, cấu trúc của Chùa Nổi cũng gồm có  ba phần: chánh điện, hậu tổ, hậu đường.

Chùa Nổi thuộc phái Nam Tông nhưng hệ thống tượng thờ chính được đặt trong chùa Nổi không khắc khe theo giáo phái mà mà tượng thờ Phật ở đây phong phú và xen lẫn các tượng thờ theo tín ngưỡng(bà chúa Xứ, Thần, Ông Tà) đó cũng là phong cách bản địa hoá của một số ngôi chùa Phật ở Nam bộ.

Do chiến tranh huỷ hoại, chùa Nổi không còn lưu giữ được các pho tượng cổ nào, trừ pho tượng Phật bằng đá thuộc vào giai đoạn Óc Eo cao khoảng 35cm. Đây là pho tượng được thu thập từ gò Chùa Nổi và được lưu giữ đến ngày nay.

 Năm 2014 Chùa Nổi được phép trùng tu Đại hùng bảo điện. Sau 02 năm thi công, năm tháng 7/2016 Chùa Nổi đã làm lễ khánh thành trong vô vàn niềm vui sướng của đồng bào Phật tử. Cảnh quang nơi đây tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách và đòng bào Phật tử đến lễ Phật và thưởng ngoạn./.

DI TÍCH LỊCH SỬ:

"SÔNG VÀM CỎ TÂY ĐOẠN TUYÊN BÌNH" - ĐỊA ĐIỂM GHI DẤU CHIẾN CÔNG OANH LIỆT CỦA ĐẠI ĐỘI ĐẶC CÔNG KIẾN TƯỜNG TRONG TRẬN TIÊU DIỆT 25 TÀU CHIẾN CỦA ĐỊCH BẺ GÃY TUYẾN HẠM ĐỘI NỔI TRÊN SÔNG VÀM CỎ TÂY NGÀY 24-29/6/1970 (Tại xã Tuyên Bình Tây- huyện Vĩnh Hưng- Long An)

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ ngày 24 đến 29/6/1970 trên sông Vàm Cỏ Tây đoạn chảy qua xã Tuyên Bình Tây, trung đội I của đại đội đặc công 918 thuộc Tỉnh đội Kiến Tường đã làm nên một kỳ tích oanh liệt tiêu diệt 25 tàu chiến của địch góp phần lớn lao vào việc b gãy tuyến hạm đội trên sông Vàm Cỏ Tây khai thông tuyến hành lang chiến lược về quân khu 8.

Ngày nay chiến công ấy đã gắn liền với tên sông, nơi đây mãi mãi đi vào lịch sử.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 đã làm cho chiến lược chiến cục bộ bị phá sản hoàn toàn. Giôn-xơn phải từng bước xuống thang chiến tranh, tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom đánh phá ở miền Bắc, ở miền Nam thì:"Phi Mỹ hoá" cuộc chiến. Từ bỏ chiến lược "tìm diệt" sang chiến lược "quét và giữ", lấy bình định cấp tốc làm nội dung chủ yếu.

Di tích " Sông Vàm Cỏ đoạn Tuyên Bình"  là Di tích lịch sử ghi dấu chiến công xâm lược khắc ghi chiến tích. Nơi đây là địa điểm đại đội đặc công Kiến Tường bẻ gãy tuyến hạm đội nổi trên sông Vàm Cỏ Tây của Mỹ-Ngụy góp phần lớn vào sự nghiệp thống nhất đất nước, được UBND tỉnh Long An ra Quyết định Số 500/QĐ.UB công nhận là di tích ngày 27-2-1997.

Trận đánh tàu trên sông Vàm Cỏ Tây diễn ra trong 6 ngày từ 24 đến 29/6/1970. Mỗi ngày là một trận trên mỗi địa điểm khác nhau: Rạch Bay, Rạch Cá Dừng, Doi khỉ ngủ, rạch Làng Đao, Bến Tràm và rach Bến Sấu. Đây là những địa danh nằm ở hai bên Vàm Cỏ Tây thuộc địa phận xã Tuyên Bình Tây-huyện Vĩnh Hưng. Toàn bộ khu vực này nếu tính từ thượng nguồn, thì rạch Đầu Sấu cho đến Cá Dừng dài khoảng 7 km tọa lạc trong 3 ấp: Cá Cóc, Bình Châu và ấp Đầu Sấu. Rạch Láng Đao và Rạch Bay thuộc ấp Cá Cóc; rạch Bến Tràm và rạch Cá Dừng thuộc ấp Bình Châu; Doi khỉ ngủ vàrạch Đầu Sấu thuộc ấp Đầu Sấu. Trong đó Rạch Làng Đao và rạch Cá Dừng nằm ở hữu ngạn, Doi khỉ ngủ vàrạch Đầu Sấu, Bến Tràm nằm ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây.

Cũng như các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi… vào thời điểm 1970 khu vực này của xã Tuyên Bình là vành đai trắng, là mục tiêu đánh phá của địch nhằm ngăn cắt tuyến hành lang chiến lược, dồn dân ra ngoài Măng Đa nên không còn người dân nào ở đây được. Vì thế hai bên bờ Vàm Cỏ Tây thuộc khu vực này lúc ấy hoang vu, cỏ mọc um tùm. Các loại tràm, gáo, cà na, đừng, sen mọc như rừng. Đất đai hai bên bờ thì sình lầy rất khó cơ động. Nhưng rừng chồi hai bên sông là yếu tố thuận lợi cho bộ đội bố trí phục kích.

Hiện nay dân cư ở khu vực này có đông đúc hơn nhưng mật độ vẫn còn thấp, các hộ dân sống chủ yếu bằng nghề sông. Qua thời gian đất đai càng được khai phá nhiều nên cảnh quang thay đổi khác xưa. Chỉ có dòng Vàm Cỏ Tây ngày nào vùi thây giặc nay vẫn chảy hiền hoà bồi đắp phù sa.

Chiến thắng hạm đội nổi trên sông của đơn vị đặc công Kiến Tường đã khai thông hành lang chiến lược từ biên giới về các tỉnh quân khu 8, đưa ba thứ quân bám trụ địa bàn, đưa nhân dân về vườn cũ làm ăn. Chiến thắng này là một thắng lợi về mặt chiến lược, cho phép ta giữ vững hành lang làm bàn đạp tiến công liên tục cho đến ngày 30-4-1975 thống nhất đất nước.

 

* Diễn biến trận đánh:

Tháng 11/1968 sau khi trúng cử tổng thống, Nich-xơn đã điều chỉnh chủ trương "Phi Mỹ hoá" thành chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" kéo dài chiến tranh ở Việt nam với âm mưu "dùng người Việt đánh người Việt". Mục tiêu của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" vẫn là thôn tính và khống chế cho được miền Nam Việt Nam trong quỹ đạo thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ. Chúng xác định nhân tố cơ bản quyết định sự thành công của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" là: xây dựng một đội quân ngụy hùng mạnh đủ sức làm nòng cốt cho quân đội các nước tay sai của Mỹ ở Đông Nam Á; bình định kiểm soát tuyệt đại bộ phận đất đai và dân số, ra sức củng cố ngụy quyền các cấp vững mạnh; thực hiện chiến tranh "bóp ngẹt" "chiến tranh giành dân", và "chiến tranh hủy diệt" là 3 phương thức của chiến lược "Việt Nam hĩa chiến tranh".

Trên chiến trường khu 8, địch tăng cường lực lượng cả Mỹ lẫn ngụy, liên tục mở các cuộc hành quân càn quét nhằm yểm trợ cho chương trình bình định và làm suy yếu lực lượng của ta.

Tại Kiến Tường quân số của địch tăng hơn rất nhiều so với trước. Quân Mỹ có 2 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 3, 2 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2 (sư đoàn 9) và một tiểu đoàn công binh. Tất cả gồm khoảng 2.500 tên đến 3.000 tên. Đội hình của chúng được bố trí như sau: cụm thứ I có khoảng 1.500 tên đóng tại Nhơn Xuyên với 15 khẩu pháo khống chế từ thị trấn Tuyên Nhơn đến Long Ngãi Thuận. Cụm thứ II có khoảng 1500 tên và 2 chi đoàn thiết giáp đóng tại Tỉnh lỵ Kiến Tường. Quân ngụy có 5.775 tên gồm chủ lực 1.100tên, biệt kích 950 tên và 13 đại đội bảo an cơ động. Chúng tăng cường phòng thủ thị xã, khu yếu Măng Đa, đồng thời tiến hành cuộc hành quân bình định (mỗi tháng có từ 30-70 cuộc hành quân càn quét) lấn chiếm vùng giải phóng của ta và xây dựng một số ấp chiến lược ở các vùng 4-6-8.

Địch bố trí 4 tuyến ngăn chặn từ biên giới xuống: tuyến biên giới, tuyến kênh Dương Văn Dương và tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp-Vàm Cỏ. Trên tuyến biên giới chúng rải các loại bom, mìn nổ chậm dày đặc từ Bình Phong Thạnh, Bình Hoà tới Hưng Điền gây trở ngại cho ta trong việc cơ động lực lượng và đi lại tiếp tế. Địch còn rải chất độc hoá học nhằm tiêu diệt sự sống ven Vàm Cỏ Tây và các kênh rạch trong Đồng Tháp Mười. Bộ chỉ huy biệt khu 44 cho máy bay trực thăng bất thần đổ quân đánh sâu vào vùng biên giới nhằm tiêu diệt cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của quân khu và tỉnh Kiến Tường. Tất cả nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng võ trang của ta, ngăn cắt tuyến hành lang chiến lược không cho ta lưu thông vận chuyển lực lượng khí tài từ phía sau ra phía trước, của quân khu xuống các tỉnh Kiến Tường-Mỹ Tho-Bến Tre- Gò Công-Đồng Tháp đồng thời đàn áp phong trào đấu tranh chính trị, tăng cường đôn quân bắt lính ổn định hậu phương của chúng.

Để thực hiện mưu đồ trên, Mỹ ngụy đã triển khai chiến dịch hạm đội nổi trên sông gồm nhiều loại tàu nhỏ, tàu lớn có cả tiêm kích và bộ binh, số lượng trên 120 chiếc. Chúng triển khai từ Thủ Thừa theo sông Vàm Cỏ Tây lên đến xã Vĩnh Thạnh quận Tuyên Bình-nay là Vĩnh Hưng. Cụ thể chúng triển khai làm 2 hướng: hướng chủ yếu và thứ yếu.

-Cánh chủ yếu là đoạn sông Vàm Cỏ Tây thuộc tỉnh Kiến Tường tập trung nhất từ xã Tuyên Bình đến xã Vĩnh Thạnh, số lượng trên dưới 60 chiếc các loại cùng một tiểu đoàn bộ binh biệt kích của Mỹ. Trực thăng 047 đồng thời được hổ trợ của pháo binh từ thị xã Kiến Tường và Măng Đa.

- Cánh thứ yếu triển khai theo trục kênh Dương Văn Dương và kinh 12 đi Cai Lậy gồm trên dưới 60 chiếc được yểm trợ bởi các lực lượng: hải quân, các đồn bót, bảo an Tỉnh và các cụm pháo ở căn cứ Kinh Quận, Kiến Bình. Với lực lượng hùnghậu trên, đầu tháng 6/1970 địch triển khai đánh phá ác liệt nhất là cánh chủ yếu gây cho ta nhiều khó khăn. Bộ đội huyện phải phân tán, lực lượng các xã phải né tránh để bảo toàn lực lượng. Có nơi phải bỏ địa bàn không bám trụ được. Đường hành lang bị tắt nghẽn gây khó khăn cho chiến trường khu 8, quần chúng nhân dân không về ruộng vườn làm ăn. Mối quan hệ bên ngoài với bên trong nhiều nơi liên lạc được.

Trước tình hình trên, Thường vụ tỉnh ủy và tỉnh đội Kiến Tường họp nhận định đánh giá tình hình địch. Sau khi phân tích những thuận lợi và khó khăn đã hạ quyết tâm phải bẻ gãy chiến thuật hạm đội nổi trên sông để mở lại toàn bộ hành lang chiến lược thông suốt như cũ, phát động quần chúng về vườn ruộng làm ăn, tổ chức nối lại lực lượng bên trong và bên ngoài.

Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng trên, thường vụ và Tỉnh đội Kiến Tường thống nhất sử dụng lực lượng đặc công và công binh vì 2 đơn vị này có truyền thống và kinh nghiệm đánh tàu. Trong suốt mười năm chiến đấu(1960-1970) đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao kỷ thuật chiến trường nghiêm minh. Hai lực lượng trên được phân công như sau:

- Lực lượng công binh sẽ đánh địch ở tuyến kinh Dương Văn Dương, kinh 12 và lộ Kiến Tường-Cai Lậy.

- Cánh chủ yếu ở tuyến Vàm Cỏ Tây-Tuyên Bình đến Vĩnh Thạnh sẽ do đặc công thủy chịu trách nhiệm.

- Sau khi ban cán sự và Tỉnh đội Kiến Tường họp có cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần bàn bạc cụ thể. Ngày 19-6-1970 Tỉnh đội giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Văn Chất-phó chủ nhiệm công binh-đặc công Tỉnh các việc như sau:

- Làm cho cán bộ chiến sĩ hiểu sâu ý đồ của địch.

- Xây dựng quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để chiến đấu.

- Chuẩn bị khí tài và vật chất đánh liên tục.

- Diệt thật nhiều tàu nhỏ tàu lớn, diệt cả bộ binh di chuyển trên tàu, đánh liên tục ngày đêm.

- Kết hợp chặt chẽ với cán bộ huyện, xã và các ban cán sự vùng.

Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Huỳnh Văn Chất tiến hành họp cấp ủy và chi bộ, quán triệt nhiệm vụ đồng thời bố trí lực lượng cụ thể cho từng cánh. Riêng cánh trọng yếu đoạn sông Vàm Cỏ Tây từ Tuyên Bình lên Vĩnh Thạnh sẽ cho đại đội 2 đặc công tỉnh Kiến Tường chịu trách nhiệm. Sử dụng lực lượng cụ thể như sau:

- Một trung đội đặc công (BI) thuộc đại đội đặc công tỉnh Kiến Tường gồm 16 đồng chí, do đ/c Nguyễn Văn Minh đại đội trưởng đại đội II đặc công chỉ huy, đ/c Huỳnh Văn Chất-phó chủ nhiệm công binh trực tiếp làm chính trị viên. Ban chỉ huy còn có Nguyễn Thành Hơn, toàn đơn vị có 14 Đảng viên, 2 Đoàn viên dùng vũ khí B41(2 khẩu), B40-5 khẩu-, còn lại là AK tự vệ.

Toàn đơn vị hạ quyết tâm dù phải hy sinh cũng phải hoàn thành nhiệm vụ vì tính chất quan trọng của trận đánh nhằm tháo gỡ khó khăn tỉnh nhà và toàn bộ chiến trường quân khu 8.

Ngày 22/6/1970 đơn vị kiểm tra lại toàn bộ vật chất cần thiết cho trận đánh quyết định. Ngày 23 đơn vị hành quân từ 5 đến 7 giờ gặp phục kích giữa đường đơn vị phải trở lại. Ngày 24 đơn vị hành quân tiếp tục, khi đi có 1 đ/c xã đội trưởng Tuyên Bình vừa phối hợp tác chiến vừa dẫn đường.

Đêm 24-6-1970 sau khi theo rạch Làng Đao xuyên qua kinh 7 Thước đơn vị hành quân đến rạch Đầu Sấu cách bờ sông 1.500m, chưa bám được địa hình, chưa kết hợp được với du kích địa phương. 9giờ 15 phút tàu địch từ Kiến Tường chạy lên, nghe tiếng tàu ban chỉ huy hạ lệnh chiến đấu, toàn bộ vật chất hậu cần để lại tại chổ phân công người giữ. Đơn vị nhanh chóng vận động đến đoạn sông Vàm Cỏ Tây đoạn rạch Đầu Sấu chưa kịp đào công sự, tàu đến ta lập tức dùng B40 và B41 bắn chìm tại chỗ 2 chiếc, ta rút lui quân an toàn.

Sau ngày 25/6 địch đối phó bằng bộ binh kết hợp với phi pháo, đơn vị phải chịu đói suốt ngày hôm đó. Ban chỉ huy tiến hành rút kinh nghiệm và làm công tác tư tưởng. Ban ngày ban chỉ huy đi liên hệ với ban cán sự vùng 8 ở xã Vĩnh Lợi và về đến đơn vị là 4 giờ chiều ngày 25/6. Sau khi liên lạc với cấp trên và các xã, đơn vị ở điểm cũng đã khắc phục xong việc lo cơm và chuẩn bị tác chiến. Chiều ngày 25/6 địch rút quân, đơn vị lại phải hành quân phục kích bên bờ Vàm Cỏ Tây đoạn Rạch Bay Ấp Cả Cóc. Ta bố trí làm 3 cụm, 20 giờ 30 tàu địch từ Kiến Tường chạy lên bắn phá ta nổ súng chìm 2 chiếc, cháy 1, ta lui quân an toàn.

Chiều ngàu 26/6/1970 ta chủ động bố trí lực lượng phục kích tại rạch Cá Dừng (nay thuộc ấp Bình Châu) tổ chức thành 4 cụm. Cụm khoá đầu 1 khẩu B40-1 B41. Cụm khoá đuôi 1 khẩu B40, 1 B41; hai cụm giữa mỗi cụm 1 B40. 7 giờ 35 địch từ Kiến Tường chạy lên 8 tàu, 6 chiếc đầu lọt vào ổ phục kích của ta nổ súng 4 chiếc chìm tại chổ, 2 chiếc cháy. Địch lập tức dùng trực thăng đổ xuống một tiểu đoàn biệt kích Măng Đa để hổ trợ cho bọn trục vớt tàu chìm và càn quét ven 2 bờ sông. Ta bung ra kết hợp với du kích xã Tuyên Bình đánh nhỏ lẻ, bằng vũ khí thô sơ, đến 9giờ 30 phút địch chủ quan có yểm trợ của bộ binh ở hai bên bờ dùng thuyền máy đi kiểm tra, ta phát hiện nổ súng chìm tại chổ.

Chiều ngày 29/6/1970 ta phục kích tại Bến Tràm 5giờ 20 phút tàu địch đến, ta nổ súng cháy chìm tại chổ. Trận này ta bị thương 1(đ/c Nguyễn Văn Minh) đại đội trưởng đại đội II).

Trận đánh ngày 29/6/1970 cũng là trận đánh cuối cùng trong suốt 6 ngày đêm trên mặt trận Tuyên Bình. Trong một tương quan lực lượng chênh lệch, địch trang bị vũ khí đến tận răng, mỗi tàu có khoảng một tiểu đội trang bị súng không giật ĐK95, 12ly7, đại liên lại được sự hổ trợ của không quân pháo binh, bộ binh. Nhưng địch đã phải khuất phục trước 14 tay súng ngoan cường, những chiến sĩ mà nơi đó sự trang bị là lòng dũng cảm, mưu trí, tinh thần yêu nước nồng nàn đã phải chiến đấu trong một hoàn cảnh cực kỳ gian khổ, thiếu vũ khí chiến đấu, địa bàn ăn ở sình lầy, di chuyển liên tục, nuôi thương binh tại chổ, có lúc chiến đấu với cái đói phải dùng môn rừng ăn thay gạo….

Kết quả 6 ngày đêm trên mặt trận Tuyên Bình ta tiêu diệt 25 tàu chiến, 1 thuyền máy, diệt 250 tên Mỹ ngụy. Song song cùng lúc du kích 3 xã Tuyên Bình, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh diệt trên dưới 70 tên lính bộ. Ta an toàn chỉ bị thương 2 đ/c: Nguyễn Văn Minh và đ/c Hiệp.

Sáu ngày đêm chiến đấu anh dũng của đơn vị đặc công Kiến Tường đã bẻ gãy hoàn toàn chiến thuật hạm đội nổi trên sông Vàm Cỏ Tây từ Kiến Tường đến Vĩnh Thạnh mà địch khoe khoang là pháo đài thép hữu hiệu nhất để đánh phá cách mạng. Chúng chỉ còn hoạt động khu vực Kiến Tường bảo vệ thị xã./.

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
«« « 1 2 » »»