image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Lịch sử

Lịch sử hình thành:

Xưa kia nơi đây là vùng đất toàn đầm lầy và cỏ dại, xen lẫn với những khu rừng tràm bạt ngàn, là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật quý hiếm như: cọp, voi, nai, khỉ, heo rừng, sấu, chim, cá, rùa, rắn… Trải qua các thời kỳ lịch sử vùng đất này đã có nhiều thay đổi về tổ chức và địa giới hành chính.

Ngược dòng thời gian cách đây khoảng 2.500 – 2.800 năm, Vĩnh Hưng là một vùng đất đã lưu dấu các dân tộc người cổ với nền văn hóa ốc eo phù Nam mà chứng cứ còn để lại nơi các di tích Gò Ô Chùa, Lò Gạch, Gò Chùa Nổi, Gò Dúi… Đến trước thế kỷ XVIII vùng đất bao la của Đồng Tháp Mười vẫn chưa có tên gọi. Năm 1838, vùng đất này thuộc phủ Tây Ninh gồm hai huyện: Tây Ninh và Quang Hoá với 7 tổng, 56 thôn. Trong các tên tổng ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí chưa có tên tổng Mộc Hoá. Mãi đến năm 1867, tên tổng Mộc Hoá mới xuất hiện trên công báo Nam Kỳ, cùng với tên 5 tổng khác thuộc khu tham biện Quang Hoá.

Ngày 7/6/1871, sau khi thống đốc Nam kỳ ra nghị định điều chỉnh các khu tham biện từ 25 xuống còn 18, lúc đó tổng Mộc Hoá thuộc khu tham biện Tân An, hạt Mỹ Tho.

Năm 1899, chế độ tham biện được thay bằng chế độ tỉnh trưởng thì khu tham biện Tân An trở thành tỉnh Tân An.

Năm 1914, chính quyền thuộc địa lập tổng lớn Mộc Hoá gồm 21 làng.

Năm 1916, quận Mộc Hoá được thành lập trực thuộc tỉnh Tân An. Năm 1951, Uỷ Ban Kháng Chiến Hành Chính Nam bộ ra quyết định cắt 3 xã phía Tây của Thủ Thừa và 7 xã của tỉnh Đồng Tháp nhập vào với quận Mộc Hoá thành lập tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này tồn tại được 16 tháng thì giải thể, Mộc Hoá lại tách ra và trở thành một huyện của tỉnh Tân Mỹ Gò.

Sau hiệp định Giơnevơ (7/1954) ngụy quyền Sài Gòn phục hồi lại tỉnh Tân An, Mộc Hoá trở thành một quận của tỉnh Tân An.

Ngày 17/2/1956, Ngô Đình Diệm  ra sắc lệnh (SL số 21/NV) tách Mộc Hoá ra khỏi tỉnh Tân An, lập thành tỉnh Mộc Hoá.

Ngày 22/10/1956, Ngô Đình Diệm lại ban hành sắc lệnh  ( SL số 143/NV) đổi tỉnh Mộc Hoá thành tỉnh Kiến Tường, huyện Vĩnh Hưng bấy giờ là quận Tuyên Bình. Về phía cách mạng, tháng 7/1957, ta tách Mộc Hoá ra khỏi tỉnh Tân An, lập tỉnh Kiến Tường nhưng không chia thành nhiều quận như địch mà chia theo vùng.

Quận Tuyên Bình (theo địch) tương ứng với vùng 8 của cách mạng.

Ngày 3/3/1976, theo quyết định của Hội đồng nhà nước, nước CHXHCN VN, tỉnh Long An mới được thành lập bao gồm: tỉnh Long An cũ và một phần của tỉnh Hậu Nghĩa, và cả Kiến Tường. Từ đây Kiến Tường trở thành một huyện của Tỉnh Long An với tên cũ là huyện Mộc Hoá.

Ngày 30/3/1978, theo quyết định của nhà nước ta, phần đất phía Tây bắc của huyện Mộc Hoá được cắt ra thành lập huyện mới tên là Vĩnh Hưng, với diện tích tự nhiên 890,33 km2 có 11 xã, gồm: Thị trấn, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Vĩnh Trị, Hưng Điền, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Tuyên Bình, Thái Trị, Thái Bình Trung, Vĩnh Đại. Dân số sống tập trung theo sông Vàm Cỏ Tây các nhánh kênh rạch và các gò cao như Gò Bò, Gò Ông Lẹt, Gò Tà Nu, Gò Xoài, Gò Cát, gò Gòn, Gò Thuyền… . Dân số khoảng 24.500 người. Ban lãnh đạo huyện chuyển về làm việc ở ấp Gò Ông Lẹt xã Vĩnh Thạnh.

Do tình hình chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra năm 1978, nhân dân huyện Vĩnh Hưng lại đứng lên đấu tranh chống lại bọn diệt chủng Pôn Pốt. Ban lãnh đạo quyết định chuyển về ấp Gò Cát xã Vĩnh Lợi để làm việc. Đầu năm 1980 huyện chuyển về đóng tại Gò Măng Đa thuộc xã Vĩnh Trị và ngày nay là trung tâm Thị trấn của Vĩnh Hưng.

Năm 1988, theo tờ trình của huyện, được UBND Tỉnh cho phép thành lập thêm 2 xã là Vĩnh Bình và tách xã Tuyên Bình thành Tuyên Bình Tây và Tuyên Bình Đông. Đến năm 1994, chính phủ có nghị định số 27 ngày 24/03/1994 về việc điều chỉnh địa giới huyện xã thuộc tỉnh Long An. Trong nghị định nêu rõ: thành lập xã Tuyên Bình Tây trên cơ sở 1.125ha diện tích tự nhiên với 2.602 nhân khẩu của xã Tuyên Bình.

Năm 1989 huyện được Tỉnh cho phép thành lập 1 thị trấn và 2 xã mới là Khánh Hưng và Thạnh Hưng.

Năm 1990 huyện được Tỉnh cho phép thành lập 1 xã mới là xã Hưng Hà.

Năm 1994 huyện được chính phủ cho phép tách ra thành huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Huyện Vĩnh Hưng có 10 xã, thị trấn với 53 ấp/ khu phố, dân số lúc bấy giờ là 31.197 người, mật độ dân số là 82 người/km2. Hiện nay dân số của Vĩnh Hưng là 52.774 người.

Do đặc thù thiên nhiên, Vĩnh Hưng nằm ở vùng sâu của Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Sự hình thành và phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Hưng gắn liền với quá trình khai thác đất hoang hóa, di dân xây dựng vùng kinh tế mới. Quá trình khai thác tài nguyên phát triển kinh tế xã hội cho thấy lợi thế cơ bản của Vĩnh Hưng:

Về giao thông: Có tỉnh lộ 831 nối với quốc lộ 62 đi các tỉnh. Hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm các xã phát triển mạnh, hiện nay đã có 10/10 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Ngoài ra hệ thống kênh rạch chằng chịt gồm có sông Vàm Cỏ Tây, Sông Long Khốt, Sông Lò Gạch, Tuyến kênh 28, Kênh Tân Thành Lò Gạch, Kênh TW, Kênh Hưng Điền… thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá và giao lưu với các vùng, diện tích sản xuất đất nông nghiệp 33.780,82 ha, thuận lợi cho trồng lúa và tràm.

Vĩnh Hưng có đường biên giới giáp với Campuchia dài 45,62 km thuận lợi cho việc phát triển thương mại với 3 cửa khẩu: Long Khốt xã Thái Bình Trung, Vàm Đồn xã Hưng Điền A và Cả Trốt xã Khánh Hưng.

Do điều kiện thổ nhưỡng và địa hình, Vĩnh Hưng chia thành 2 vùng sản xuất lúa.

- Vùng cao biên giới gồm 5 xã: Tuyên Bình, Thái Bình Trung, Thái Trị, Hưng Điền A, Khánh Hưng. Từ những năm 1990 trở về trước, vùng này chủ yếu sản xuất lúa một vụ, trọng tâm là lúa huyết rồng, nàng Minh, nàng Tri, chăn nuôi trâu bò…Do làm lúa một vụ không hiệu quả, nhà nước chủ trương trồng lúa hai vụ  đem lại hiệu quả cao cho nhân dân. Hiện nay vùng này tập trung sản xuất lúa hai vụ và buôn bán với Campuchia. Trong 5 xã vùng cao thì ấp Gò Châu Mai (Khánh Hưng) và Bình Châu (Tuyên Bình) hoạt đông kinh tế mang nét nổi bật.

- Vùng sâu gồm 5 xã, thị trấn: Thị trấn Vĩnh Hưng, Vĩnh Trị, Vĩnh Bình, Vĩnh Thuận, Tuyên Bình Tây. Kinh tế chủ lực của vùng này là trồng các loại giống lúa có giá trị xuất khẩu cao. Trung tâm thương mại kinh tế, văn hóa của vùng là thị trấn Vĩnh Hưng. Mức luân chuyển hàng hóa lớn, dân cư đông đúc, nơi tập trung các ngành nghề kinh doanh của huyện. Trong đó Thị trấn Vĩnh Hưng nổi bật với thương mại dịch vụ phát triển, tốc độ đô thị hoá đang đẩy nhanh và có đê bao chống lũ an toàn với cao độ 5,2m, diện tích vượt lũ là 38,8ha, đón lũ ổn định cho phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng và an toàn cho nhân dân trong mùa mưa lũ.

Vĩnh Hưng là huyện đầu nguồn được hưởng lợi nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Cái Cỏ, sông Vàm Cỏ Tây phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống, hàng năm lũ đã bồi đắp một lượng phù sa đáng kể làm màu mỡ đất đai.

Có hai vùng đất đặc trưng là phù sa cổ và đất phèn, trong điều kiện đủ nước ngọt quanh năm có thể gia tăng trồng lúa trên đất phèn, ngoài ra có thể cải tạo đất xám tiến hành đa dạng hóa cây trồng một cách hợp lý, giảm thế độc canh cây lúa.

Vĩnh Hưng là huyện thuộc Đồng Tháp Mười đã và đang được chính phủ tập trung đầu tư nên cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao một bước. Đặc biệt tuyến QL-N1 (TL 831) được đầu tư nâng cấp là trục giao thông chính trong giao lưu hàng hóa, tạo động lực cho kinh tế Vĩnh Hưng phát triển.

Từ những thực trạng trên, để nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, huyện đã tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (nguồn nhân lực, tài nguyên đất, nguồn nước), mở rộng sản xuất, lấy hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống làm tiêu chuẩn phát triển. Phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Thực hiện tốt chiến lược tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa các ngành sản xuất, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững, từng bước hội nhập kinh tế Quốc tế và khu vực . Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và hiệu quả, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, thương mại và dịch vụ, phát triển công nghiệp, trước hết là công nghiệp chế biến nông sản.

Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao mặt bằng dân trí, đảm bảo quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 18 của Tỉnh ủy Long An. Mở rộng sản xuất đi đôi với bảo vệ và gìn giữ môi trường sinh thái, ngăn chặn  mọi nguy cơ gây ô nhiễm.

- Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với an ninh quốc phòng, giữ vững và củng cố tuyến phòng thủ biên giới, xứng đáng với vị trí tiền tiêu an ninh quốc phòng của tỉnh Long An và cả nước.

Mục tiêu chung là xây dựng Vĩnh Hưng trở thành huyện có kinh tế phát triển, xã hội dân chủ công bằng, văn minh, đảm bảo vững chắc về an ninh quốc phòng, gia tăng phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, từng bước công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Nhanh chóng thoát khỏi nền kinh tế thuần nông, độc canh; sớm tạo nên sự phát triển cân đối, toàn diện, phát huy các thế mạnh về nông - lâm nghiệp và dịch vụ - thương mại, đưa Vĩnh Hưng trở thành huyện vững mạnh ở vị trí tiền tiêu trên tuyến biên giới phía Tây Nam tổ quốc.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
«« « 1 2 » »»