image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Truyền thống văn hóa

 

 

SƠ LƯỢC VĂN HOÁ VÀ NGÀNH NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA VĨNH HƯNG

 

Vĩnh Hưng là một huyện ra đời muộn, được hình thành từ một "vùng trắng" của Đồng Tháp Mười. Do đó văn hoá Vĩnh Hưng hầu như mang những đặc điểm chung của văn hoá Đồng Tháp Mười.

Một số đặc điểm của Văn hoá Vĩnh Hưng:

1. Văn hoá:

Bước phát triển của văn hoá ở Vĩnh Hưng gắn liền với cuộc định cư khai phá của những lớp cư dân trong các thế kỷ qua. Cuộc hành trình của họ không chỉ có những phương tiện sinh hoạt, công cụ sản xuất, giống để gieo trồng… mà còn có cả một vốn liếng tinh thần đa dạng, phong phú được hun đúc nên từ bao thế hệ ở miền đất cũ. Đó là những phong tục tập quán, đạo đức truyền thống, nếp sống, vốn văn hoá, tinh thần yêu nước, yêu đồng bào, những kinh nghiệm sống và chiến đấu…

A. Văn hoá vật chất:

a. Cách ăn, mặc, ở

Nhìn chung cách ăn, mặc, ở của người Vĩnh Hưng cũng mang những đặc điểm của người dân Nam bộ: đơn giản, thể hiện khá rõ quan niệm "ăn chắc, mặc bền".

* Cách ăn và những món ăn thông thường phổ biến ở Vĩnh Hưng:

Ở đây ta nói đến cách ăn và những món ăn thông thường phổ biến của đại đa số người dân, mà chủ yếu là người nông dân. Những cư dân khi đặt chân lên vùng đất này, trong quá trình khai phá và định cư trên vùng đất mới họ đã biết vận dụng những kiến thức về y học, dinh dưỡng cùng những kinh nghiệm nấu nướng để dùng những sản vật của địa phương chế biến thành những món ăn đảm bảo được sự cân bằng âm dương trong cơ thể con người.

Nói đến thực phẩm trước tiên phải kể đến gạo thóc. Nếu người Cần Đước tự hào về sản vật gạo Nàng Thơm Chợ Đào thì người Vĩnh Hưng cũng không khỏi ca ngợi bữa cơm gạo huyết rồng (một thứ gạo hạt dài, màu đỏ, nấu dẽo, thơm và bùi - một đặc sản của Đồng Tháp Mười, ăn với cá rô hoặc cá trê vàng kho tiêu thì không gì ngon bằng…)

gao huyet rong.png 

Bên cạnh các loại lúa nước một vụ, với những tên gọi: Nàng rừng, Nàng tri,  Nàng Minh,… thì phải kể đến lúa trời (lúa ma), mọc tự nhiên trên những cánh đồng ngập nước. Gạo lúa trời khi nấu phải cho sôi lâu thì cơm mới dẽo. Lúa còn mới cơm có mùi thơm khá hấp dẫn. Cây lúa trời cũng đã một thời đi vào lịch sử "má nuôi em bằng bông súng lúa trời". Bên cạnh những giống lúa còn có những loại rau mọc tự nhiên có thể nuôi sống con người: bông súng, điên điển, hẹ nước, rau dừa, kèo nèo, đọt nghể, ngó sen, đọt vừng…

Nếu như người dân miền ngoài "thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản" thì trong mâm cơm của người dân ở miệt Đồng Tháp Mười nói chung và Vĩnh Hưng nói riêng thì mắm được xem là món ăn "chủ lực":

"Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm"

Ngoài ra các loại cá: cá trèn, cá lóc, cá trê, cá chạch… cũng được người dân tận dụng cai nắng nhiệt đới để phơi khô dùng làm thức ăn để dành.

Ngày nay, bửa ăn của người Vĩnh Hưng đã được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Nó tuỳ thuộc vào sự trao đổi, mua bán ở các chợ nông thôn hoặc các vụ mùa…

* Món ăn theo phong tục cổ truyền trong các ngày lễ tết:

Mâm cổ ngày tết của người Vĩnh Hưng cũng không có gì khác biệt so với những huyện trong tỉnh. Thông thường nhà nào cũng có bánh tét, bánh mứt, thịt kho…thịt thì chủ yếu là thịt heo, gà vịt…Ngày nay, nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gieo trồng, ngày tết ở đây cũng phong phú thêm với dưa hấu và hạt dưa…

* Cổ khao, cổ cưới:

Người Vĩnh Hưng nhất là người nông dân thường có khuynh hướng nghiêng về sự thoải mái, vừa phải đầm ấm, vui vẻ hơn là phô trương.

Khi điều kiện kinh tế xã hội thay đổi thì con người cũng có những thay đổi. Tuy nhiên những nét cốt lõi của tinh thần hiếu khách, của quan niệm lấy tình nghĩa làm trọng của ngày xưa vẫn được người Vĩnh Hưng bảo lưu khá đậm nét đến ngày nay.

* Những món ăn đặc sản của Vĩnh Hưng:

Đó là những món ăn được chế biến từ những sản vật đặc biệt của địa phương. Thiên nhiên và đất đai bạt ngàn của cả Vùng Đồng Tháp Mười trong đó có Vĩnh Hưng, đã cung cấp cho vùng này nhiều đặc sản có giá trị: có những đặc sản về gạo nếp (huyết rồng), cá tôm (cá trê vàng, cá lóc, cá chạch…) và các loại chim trời, rùa, rắn, lươn, chuột…từ những "nguyên liệu đặc sản" đó có thể chế biến thành nhiều món ăn đậm đà khó quên như: cháo le le, cúm núm, cháo dơi quạ đậu xanh, cá lóc nướng lá sen, chuột đồng rô ti, cháo lươn, lươn kho mắm, chuột xào xã ớt, canh chua cá linh bông điên điển… những món ăn rất bình dân nhưng giá trị dinh dưỡng cao.

* Cách mặc:

Cũng giống như những vùng khác, ngày xưa chiếc áo bà ba được mặc phổ biến, màu được ưa chuộng thường là màu đen và nâu. Ngày nay, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, xuất phát từ những nhu cầu tiện lợi, đẹp, lịch sự một số xu hướng mặc theo kiểu Âu được chuộng phổ biến đủ kiểu, vải đa chất liệu.

* Cư trú:

Vĩnh Hưng nói riêng và Đồng Tháp Mười nói chung là nơi khai phá khá muộn so với các vùng khác trong tỉnh. Đây là vùng trũng, đất nhiễm phèn nặng, thường bị ngập lụt ba đến bốn tháng, mùa nắng thì thiếu nước. Mức chênh lệch về mật độ dân số ở đây so với các huyện khác là rất lớn. Họ thường tập trung ở dọc theo các bờ sông, bờ kênh hoặc các gò cao: Gò Măng Đa, Gò Ông Lẹt, Gò Châu Mai…

Nếu như ở các huyện phía Nam của Tỉnh là những ngôi nhà được xây kiên cố, rộng rải và đa dạng thì ở Vĩnh Hưng phần lớn các ngôi nhà được xây cất đơn sơ, tạm bợ: vách đất trộn rơm, mái lá hoặc tranh. Một phần do điều kiện kinh tế và thiên nhiên quyết định (xây cất tạm bợ để dễ di dời hoặc kê kích trong mùa lũ), một phần do tập quán của người dân nơi đây. Sau ngày đất nước được giải phóng  người nông dân xây dựng nhà cửa khang trang, có nền cao vượt lũ, bền vững hơn.

Những năm gần đây, việc phát hiện ra những mỏ đất sét lớn để làm gạch, ngói ngay trên vùng đất này đã góp phần "ngói hoá" các thôn xóm. Ngày nay khi đến Vĩnh Hưng, ta thấy những trường học, nhà trẻ, bệnh xá, cơ quan, nhà văn hoá và nhà cửa của dân đều được xây dựng khang trang bằng một phần gạch ngói sản xuất tại địa phương, đang góp phần thay đổi bộ mặt làng xã của một vùng nước ngập đồng chua.

di lai.png 

Phương tiện đi lại:  

Ngày xưa do đặc điểm của vùng là vùng ngập lũ nên phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng. Thông dụng là xuồng ba lá, loại xuồng nhỏ, có thể vừa dùng làm phương tiện đi lại vừa là phương tiện cho nghề đánh bắt cá. Đa số dùng sào chống hoặc dùng dầm bơi, những gia đình khá giã thì sử dụng xuồng máy (cô -le 4 hoặc cô -le 7). Loại ghe lớn hơn thường được trưng dụng làm ghe rổi (chở cá) hoặc ghe hàng (chở bán nhiều loại hàng hoá và thực phẩm tươi sống bán cho người dân ở cặp bờ sông, bờ kênh. Ghe hàng còn đuợc xem là "chợ di động" của thời đó và cho đến bây giờ").

Ngày nay, đất nước ngày càng phát triển, giao thông thuỷ, bộ được quan tâm đầu tư. Đường giao thông liên ấp, liên xã được mở rộng, phương tiện đi lại của người dân cũng theo đó mà đổi mới, phần lớn những chiếc xuồng ba lá bơi bằng dầm hoặc chống bằng sào,… dần dần được thay thế bằng tắc ráng, xuồng ba lá lớn máy dầu, trên bộ thì có xe đạp, xe máy, ô tô, xe khách…làm cho việc đi lại càng thuận tiện với nhiều phương tiện phong phú hơn.

B. Văn hoá tinh thần:

a. Văn học dân gian:

Trong những điều kiện và môi trường sống có nhiều thay đổi. Thơ văn của Vĩnh Hưng bao gồm nhiều thể loại: chuyện kể từ đời này sang đời khác, chuyện cổ tích, chuyện tiếu lâm, hò, vè, ca dao trữ tình và cả câu đố.

Trước hết phải kể đến những chuyện kể mang tính chất truyền khẩu, thường phản ánh về thiên nhiên, thú dữ và sức mạnh của người nông dân khắc phục nó. Ngoài những chuyện kể về những anh hùng khởi nghĩa, còn có những chuyện tiếu lâm hết sức phong phú. Nhưng những câu chuyện này thường là : "tài sản" chung của cả vùng Đồng Tháp Mười chứ không riêng của địa phương nào. Ví dụ như " chuyện cá lóc", "sự tích rau răm".

Những câu đố ở đây thường mang hơi hướng cuộc sống lao động hàng ngày của người nông dân:

Ba đầu, bốn lưỡi, mười chân

Hai quân ở trần, một quân mặc áo

(người cày và đôi trâu đang kéo cày)

hoặc: Mình tròn trùng trục

Như cục kỳ lân

Há miệng mà táp sóng thần

Có bốn sợi râu dài

Hai người nhổ hoài không đứt

( hai người đang tác nước bằng gàu dai)

Hình ảnh con trâu chiếc gàu dai rất gần gũi với những người nông dân ở mọi địa phương của Việt Nam, nhưng riêng chiếc gàu dai đối với nơi có nhiều đìa bàu như Đồng Tháp Mười nói chung và Vĩnh Hưng nói riêng thì vô cùng quen thụôc.

Trong mảng thơ dân gian, có thể nói thơ ca còn lưu lại số lượng lớn nhất, bao gồm cả ca dao, hò vè, câu đố. Nội dung những bài vè này thường nói về thiên nhiên, con người, sản vật.

 Một số bài vè, truyện kể và ca dao của Đồng Tháp Mười

Vè về chim:

Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè cầm thú

Ác là, tu hú

Láu liến ba hoa

Lên tiếng canh ba

Chích choè, bìm bịp

Giống hay ăn hiếp

Chim quạ, chim mèo

Lót ổ cheo leo

Dòng dọc, áo già…

Cứ điệu ấy bài vè kể ra hàng trăm giống chim ở Đồng Tháp Mười.

Cái tệ uống rượu cũng bị lên án trong những bài vè của Đồng Tháp Mười:

Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè uống rượu

Dốt như thằng cuội

Dữ tợ thần trùng

Chữ nghĩa như rồng

Tữu nhập ngôn xuất

Đa ngôn đa thất

Chẳng chút đắng đo

Rượu thời đong cho

Tiền không chịu trả

Say rồi bậy bạ

Nói nghịch nói ngang

Nằm sá nằm đàng

Té lên té xuống

Bao nhiêu cũng uống

Quá mẹ hủ chìm

Như dây bìm bìm

Sống trên lưng vợ…

Vè nói ngược:

Ngồi buồn nói ngược mà xuôi

Cua đinh nó liệng giữa trời không hay

Trời tối đánh chó ra cày

Trâu kia giận sủa, chuột giày ông voi

Thầy bói rũ nhau đi coi

Giữa trưa đốt đuốt đi soi ếch bà

Lại có vè nói láo, vừa mang tính phóng đại vừa pha chút hài hước cho thấy người nông dân dù có gian nan cơ cực tới đâu, cuộc sống của họ vẫn đầy lạc quan:

Ngồi buồn nói chuyện láo thiên

Hồi tui còn nhỏ có khiêng ông trời

Ra đồng thấy muỗi bắt dơi

Bọ hung làm giỗ đi mời ông voi

Nhà tui có một củ khoai

Xắt ra năm thúng hẳn hòi còn dư

Nhà tui có bụi khoai từ

Bới lên một củ làm hư nữa vườn

Tui về câu được con lươn

Cái thịt quết chả, cái xương đẽo chày…

Vè rau cỏ: không chỉ tả riêng mà còn nói về tính nết của từng thứ rau:

Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè cái rau

Ăn ở hỗn hào

Là rau ngành ngạch

Trong lòng không chánh

Vốn thiệt rau lang

Đất ruộng bò ngang

Là rau muống biển

Quan thầy đòi kiện

Bình bát nấu canh

Ăn hơi tanh tanh

Là rau dấp cá…

Phần thơ trữ tình trong mảng dân gian là một mảng rộng lớn. Nó chất chứa tình cảm với đất nước, ruộng đồng quê hương. ba trăm năm đặt chân về một vùng đất mới, đổ biết bao máu và mồ hôi để khai khẩn nên mảnh đất này, người Đồng Tháp Mười có biết bao tâm tình phơi trải trong câu ca tiếng hát. Đó là những bức tranh thiên nhiên của vùng đất mới và công cuộc khai phá của những thế hệ người Việt trong quá trình định cư; là sự nghiệp đấu tranh bảo vệ những thành quả lao động tạo nên đất mới:

Muỗi kêu như sáo thổi

Đĩa lội tựa bánh canh

Cỏ mọc thành tinh

Rắn đồng biết gáy

Đó là những vùng đất "nữa mùa nắng cháy, nữa mùa nước dâng".

Đã không ít người chùn bước trước những khắc nghiệt của nó. Nhưng nếu ai bền gan bền chí thì cũng được thiên nhiên ưu đãi:

Cám ơn bông súng củ co

Nợ nần trả hết, lại no trong lòng.

Vùng đất Vĩnh Hưng đã gắn bó với con người bằng một tình yêu mặn nồng tha thiết. Riêng ca dao bộc lộ tình người với đất, kể có hàng trăm, hàng ngàn câu. ( Xem tại đây)

 

Một số câu ca dao nói về tình người, tình đất của người Đồng Tháp Mười:

"Ai về tới miệt Tháp Mười

Cá tôm sẳn bắt lúa trời sẳn ăn".

 

"Ai về Đồng Tháp mà xem

Bông sen, bông súng nở chen lúa vàng".

 

Anh đi anh nhớ Tháp Mười

Nhớ cây bông súng, nhớ người Mỹ An

 

Bao giờ hết cỏ Tháp Mười

Thì dân Nam mới hết người đánh Tây

 

Cảm ơn bông súng củ co

Nợ nần trả hết lại no ấm lòng

 

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn

Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma

 

Đất Tháp Mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm

 

Đất Tháp Mười  người qua dễ nhớ

gái Tháp Mười ăn nói dễ thương

 

Đất Tháp Mười tràm thơm ngào ngạt

Lúa Tháp Mười trĩu nặng oằn bông

 

Em là con gái Tháp Mười

Dáng đi cũng đẹp nụ cười cũng duyên

 

Kinh dài, đất rộng, tràm xanh

Tháp Mười cảnh đẹp mời anh ghé vào

 

Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm

 

Tháp Mười lắm rạch nhiều kinh

Lắm tôm, nhiều cá, tràm xanh, lúa vàng

 

Tháp Mười nước mặn đồng chua

Nữa chừng mùa nắng cháy nữa mùa nước dâng

 

Tiền Giang nước chảy bềnh bồng

Đổ về Đồng Tháp mặn nồng phù sa

 

Tháp Mười đồng ruộng bao la

Dân thì hiền hậu đất hoà tình thương

 

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre

Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười

 

Bông sen như nết con người

Đẹp như là gái Tháp Mười quê ta.

 

Hoặc những câu ca dao nói về tình yêu đôi lứa:

Anh đau tương tư trận này chắc chết

Em có thuốc gì cứu hết cho anh

 

Anh đau tương tư bệnh nặng

Thuốc chi cứu đặng, bớ điệu chung tình!

 

Cá sầu ai cá chẳng quặt đuôi

Như lan sầu huệ như tôi sầu mình!

Tình yêu lứa đôi cũng được thể hiện trong những câu ca dao hết sức ngọt ngào thi vị, nhưng lại mang những dáng vẻ riêng.

"Anh đau tương tư cha mẹ bỏ liều

Em tính sao thì tính kẻo bốn giờ chiều anh tắt hơi".

Còn lòng quyết tâm giữ lấy tình yêu thì ca dao Tháp Mười có những hình ảnh lạ thường:

"Dù cho trời đất phân chia

Đôi lứa mình như khoá với chìa đừng rơi"

Những lời tỏ tình nhiều khi được phát ra bởi những câu mộc mạc nhưng vẫn thanh nhã:

"Nước trong ai chẳng rửa chân

Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hun."

Mảng thơ ca dân gian này mà chủ yếu là ca dao đã cùng với thơ ca bác học cận và hiện đại làm sáng lên truyền thống yêu nước bất khuất của nhiều thế hệ ở đây.

b. Phong tục tập quán:

* Nếp sống gia đình và xã hội:

Trong gia đình của người Vĩnh Hưng, vợ chồng thường xưng hô với nhau là tía hoặc má sấp nhỏ. Cũng giống như những địa phương khác trong vùng, người Vĩnh Hưng coi trọng sự hoà thuận, đầm ấm trong gia đình trên kính dưới nhường, nhất là những nề nếp về cư xử giửa những người trong gia đình và ngoài xã hội.

Việc dạy dỗ con cái ngày xưa phần lớn thiên về mệnh lệnh, đôi khi dùng cả roi vọt. Con cái trong gia đình phải tuyệt đối vâng theo lời cha mẹ. Ngày nay, chế độ gia trưởng phong kiến trong gia đình đã bị lên án, nên trong nếp cư xử cũng có nhiều thay đổi cơ bản. Quan hệ giữa người và người được xây dựng trên một nhân sinh quan cách mạng. Tuy nhiên yếu tố cơ bản của gia đình như tình yêu thương, tinh thần đùm bọc lẫn nhau, những nét đẹp truyền thống như tính hiếu khách, tình bạn thuỷ chung sống có tình có nghĩa mang tính nhân văn trong xã hội cũ vẫn được bảo lưu, kế thừa và không ngừng cách tân nhằm xây dựng mối quan hệ mới giữa người và người ngày một văn minh, hoàn mỹ hơn.

* Phong tục:

Không có điểm khác lớn so với phong tục chung của vùng. Nhưng trong việc tang chế, có một điểm đáng chú ý là ở miệt này trước đây nếu người chết đúng vào mùa nước ngập mênh mông, không có đất để chôn thì sau khi làm những nghi lễ theo tập tục cổ truyền, quan tài được đưa bằng ghe vào sâu trong rừng tràm hoặc những lùm cây giữa cánh đồng xa vắng. Người ta đóng cọc chéo, đặt quan tài lên cành cây cao, chờ đến khi nước cạn mới làm lễ an táng chính thức.

Ngày nay nhờ công tác tuyên truyền vận động qua các phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới. Việc tang lễ ở Vĩnh Hưng có những bước tiến mới, lành mạnh. Việc hình thành các nghĩa địa nhân dân đã góp phần giải quyết được tình trạng "người chết leo cây" .

* Tôn giáo:

Ngày nay, Vĩnh Hưng có 5 tôn giáo lớn đã thâm nhập ở mức độ tương đối sâu trong đời sống xã hội và có quá trình lịch sử phát triển đáng lưu ý, đó là: đạo phật, thiên chúa giáo chính thống, tin lành, cao đài, hoà hảo. Trong đó số người theo đạo phật chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Đạo Phật có mặt ở Vĩnh Hưng tương đối sớm so với các tôn giáo khác. Tư tưởng nhân đạo của đạo phật đã gặp tư tưởng yêu nước của quần chúng nhân dân. Chính điều này đã giải thích vì sao ở Vĩnh Hưng ngôi Cổ Sơn Tự (Chùa Nổi) đã trở thành một căn cứ cách mạng và đi vào lịch sử với những đóng góp tích cực trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc

2. Ngành nghề truyền thống

Bên cạnh những di sản vật thể và phi vật thể, ở Vĩnh Hưng còn có nhiều nghề thủ công truyền thống: đan đệm bàng, làm mắm, ủ nước mắm, đan các dụng cụ nghề cá và nghề cá nói chung… tồn tại trong thời gian dài, nhưng với quy mô nhỏ lẻ, rải rác trong một số hộ dân. Nghề thủ công truyền thống mang tính chất làng nghề thì không còn.

* Nghề đan đệm:

Xét về mặt lịch sử, nghề này đã có ít nhất trên 2 thế kỷ. Từ khi những lưu dân người Việt đến khai phá vùng đất này, họ thấy được những đặc tính tiện ích của cây bàng và sử dụng nó để làm đồ gia dụng rồi dần dần biến thành nghề thủ công. Đây là nghề thủ công phổ biến ở Vĩnh Hưng, thu hút nhiều lao động từ người già đến trẻ em nhất là những lúc nông nhàn.

Nghề đan đệm bàng

          "Anh đi ghe cá mũi son

Để em đan đệm cho mòn ngón tay"

Câu ca dao trên đã phản ánh sinh hoạt của vùng nông thôn ở Đồng Tháp Mười ngày xưa: Chồng đi "ghe rỗi", vợ ở nhà sau những ngày đồng áng, thường làm thêm nghề phụ " đan đệm" ( tiếng địa phương còn gọi là đươn đệm)- Cách gọi chung nghề dùng cọng bàng phơi khô để đan các đồ dùng như đệm nằm thay chiếu, đệm phơi lúa, làm buồm ghe, cà ròn đựng nông sản, bao đựng muối…hoặc các loại đồ dùng khác như nón, túi xách, cặp học sinh, nóp….

Lịch sử của nghề đan đệm:

Xét về mặt lịch sử, nghề này đã có ít nhất trên 2 thế kỷ. Từ khi những lưu dân người Việt đến khai phá vùng đất này, họ thấy được những đặc tính tiện ích của cây bàng và sử dụng nó để làm đồ gia dụng rồi dần dần biến thành nghề thủ công. Đây là nghề thủ công phổ biến ở Vĩnh Hưng, thu hút nhiều lao động từ người già đến trẻ em nhất là những lúc nông nhàn.

Làm bàng:

Nguyên liệu chính của nghề đan đệm, là cây bàng (có tên khoa học là: lepiromia articulata, họ cyperaceac cỏ gấu), cùng với cây tràm, cây bàng mọc ở vùng đất trũng phèn, từ gốc đến ngọn không có đốt, rổng ruột, khi phơi khô dẽo và bền, ít ngấm nước. Tuy được xếp vào loại cây công nghiệp của ngành nông nghiệp nhưng trong thực tế, từ bao đời nay và cho đến bây giờ, bàng vẫn được thu hoạch theo lối tự nhiên là chính.

Hàng năm cứ đến mùa khô là cây bàng tàn lụi, chỉ còn gốc nằm trong đất, đến mùa mưa lại bắt đầu chu kỳ sinh trưởng mới. Khi bàng lên cao đến độ thu hoạch, người ta dùng tay lần sát gốc nhổ từng cọng chứ không cắt như lác, rồi bó thành "neo", mỗi  "neo" là một bó nhỏ có vòng tròn quy ước 2 gang tay đâu lại (khoảng 30cm) đem phơi khô.

Ngày xưa trước khi đan người ta dùng chày giã từng bó đặt trên tấm ván để làm dẹp cọng bàng- gọi là "giã bàng". Công việc này cũng khá vất vã nên dân làm bàng có câu hát cửa miệng "Làm dâu Tân Nhựt vẫn nhàn. Lấy chồng Rạch Rít đâm bàng rã tay". Ngày nay, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc đâm bàng đã được những động cơ máy móc hoặc những trục quay thủ công thay thế.

Đan đệm

Khác với dệt chiếu, đan đệm không dùng khung mà công cụ chủ yếu của nghề hoàn toàn làm bằng tay. Đôi bàn tay khéo léo của người đan quyết định sự thành bại của chiếc đệm. Mỗi chiếc đệm được đan theo nhóm từ một đến bốn người, hoặc có khi chỉ một người tuỳ theo khổ đệm và sự phân công lao động trong gia đình.

Khi bắt đầu đan một chiếc đệm, người đan sẽ gầy từng cọng bàng, cách đan cũng tương tự như người ta đan vĩ tre để phơi cá. Cứ như thế cho đến khi cần kết thúc. Công đoạn cuối cùng là bẻ và gim bìa. Những cọng bàng nhỏ sẽ được sử dụng để làm công việc này, vì theo người đan thì những cọng bàng nhỏ tuy đan rất lâu nhưng rất chắc. Những chiếc đệm làm bằng những cọng bàng nhỏ cũng được người tiêu dùng chọn nhiều hơn vì nó vừa đẹp vừa bền.     

          Chiếc đệm được cấu tạo bởi các phần mà người địa phương còn gọi là  "vung", số lượng vung nhiều hay ít là tuỳ theo khổ  của chiếc đệm. Khổ đệm thông dụng là 1,2m; 1,4m; 1,6m. Tuỳ chất lượng và độ cao của cọng bàng mà người ta sẽ phân loại đệm. Ngoài những chiếc đệm đã được đan sẳn như thế, người ta còn đan theo đơn đặt hàng, kích thước và giá cả tuỳ theo loại đệm và người đặt.

          Đệm Vĩnh Hưng có nhiều loại: đệm phơi, đệm nằm, đệm manh.. và căn cứ theo chất lượng cọng bàng to, nhiễn, đệm thô hay không thô…mà người ta phân ra đệm xô hoặc đệm trung, đệm đặc biệt.

          Ngày xưa ngoài những phiên chợ ở địa phương, người ta còn mang đệm bán sang các vùng lân cận và còn xuất khẩu sang Campuchia. Ngoài việc đan đệm nằm thay chiếu, từ lâu người nông dân còn dùng cọng bàng để đan những túi xách, nón, cặp học sinh, bao đựng muối, và dùng để lợp nhà. Trong những năm đất nước ta bị giặc pháp đô hộ, đời sống khó khăn, một số nông dân nghèo ờ Đồng Tháp Mười không tiền để mua vải đã dùng cọng bàng để đan đệm làm quần áo che thân. Hình ảnh cọng bàng đã đi vào lịch sử với những chiếc nóp thay mùng chống mũi của người vệ quốc đoàn năm xưa, và trở thành một biểu tượng hào hùng "nóp với giáo mang trên vai, nhưng thân trai nào kém oai hùng…"

Điều đặc biệt trong nghề đan đệm ở Vĩnh Hưng là không nghe người nhắc đến những ông tổ nghề cũng như việc giữ gìn các tập tục, kiêng cử chung quanh nghề này.

          Nhận định về nghề đan đệm

Có thể khẳng định rằng bên cạnh những yếu tố cần cù, tỉ mĩ của nghề truyền thống và sự tiếp thu kỹ thuật mới trong công nghệ, nghề đan đệm, bao bì bằng bàng đã mang lại cho những người dân sống bằng nghề này một khoảng thu nhập tương đối ổn định (tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào sức hút thị trường).

Nghề đan đệm dễ học, nhưng hầu như việc truyền nghề và học nghề cũng chỉ diễn ra theo kiểu cha truyền con nối, phạm vi gia đình chứ không có theo trường lớp. Tuy dễ học nhưng đòi hỏi người đan đệm cũng phải tỉ mỉ, phải có sáng tạo và mỹ thuật để tạo ra nhiều mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Trong thời gian gần đây, với tốc độ đô thị hoá nhanh, nghề đan đệm cũng như một số dụng cụ bằng bàng khác đã bị thu hẹp sản xuất. Nguyên liệu ngày càng khan hiếm, có khi phải mua từ nơi khác. Nghề đan đệm ở Vĩnh Hưng đã bị mai một.

* Nghề cá:

Khi nói đến nghề cá ở Vĩnh Hưng thì ta thường nghe câu nói cửa miệng của người dân làm nghề cá ở miệt này:

" khôn giăng  mồi chạy

dại giãy mồi trùn.

khùng thì đặt trúm".

Giải thích:

          Giăng câu mồi chạy thì người giăng câu không phải vạch luồng, mà do luồng của người giăng câu mồi trùn vạch sẳn, mồi thì móc vào lúc chiều, trời chưa tối.

          Giăng câu mồi trùn thì mỗi ngày người giăng câu phải vạch luồng mới, mồi phải móc vào lúc trời tối không thấy đường.

          Đặt trúm thì phải lội hoặc chống xuồng vào trong cỏ, mồi thì rất hôi thối.

Do nguồn lợi cá ở đây rất phong phú nên nghề đánh bắt cá cũng có nhiều hình thức:

 Nghề lọp:

Lọp là ngư cụ quan trọng và dùng đặt cá phổ biến trên đồng, với nguyên tắc đặt ngược nước. Có 2 cách đặt: hoặc đặt lọp lủi, tức vén cỏ đặt lọp xuống để lú đáy lọp lên cho cá vào không bị chết ngộp, hoặc đặt lọp ven tức đặt lọp có đăng, người ta thường cấm một hàng đăng dài cứ cách khoảng 4m đặt một lọp.

Lọp thường đặt bắt cá lóc, cá bống, rùa, tôm, rắn. Những người đặt nhiều, mỗi ngày giở chừng 100 lọp và cứ thế liên tiếp những ngày sau cho đến khi nào hết những lọp đã đặt, sau đó lộn ngược lại.

 Nghề lờ:

 Sau lọp, một nghề góp phần không nhỏ trong thu nhập của ngư dân vùng này phải kể đến là nghề đặt lờ.

Lờ thường đặt ở khe nước chảy, nhưng khi nước cao lên thì phải tìm hoặc tạo luồng cá đi mà đặt. Lờ bánh ú thường bắt cá sặc, cá rô…lờ ống thường để bắt cua, cá sặc…

Một người thường đặt vài trăm lờ, tuy chỉ bắt cá nhỏ nhưng với số lượng nhiều cũng thu nhập khá cao.

 Xà Di:

Xà di là ngư cụ chuyên dùng để bắt cá rô. Khi đặt xà di người ta móc một lỗ hoặc lấy gót chân ấn lỗ dưới đất, bỏ lúa vào lỗ, rồi đặt xà di dựng đứng trên lỗ. Khi cá rô vào ăn lúa xong lên ngóp sẽ chui vào xà di.

Do xà di được bện bằng dây kẽm nên việc di chuyển rất thuận lợi. Khi chở trên xuồng, nông dân lấy hom ra đè bẹp xà di xuống để chở được nhiều, không cồng kềnh, đến lúc đặt sẽ mở tròn gắn hom vào.

* Câu: Câu ở đây có nhiều dạng: câu rê, câu nhấp, câu giăng. Câu rê có cần bằng trúc dài chừng 6m, có dây dài gấp ba lần cần, lưỡi câu móc mồi nhái hoặc thằng lằn. Câu nhấp có cần cũng giống câu rê nhưng dây ngắn hơn. Câu nhấp thường câu ở bàu, đìa…

Câu giăng thường có đường giăng dài chừng một cây số. Tuỳ theo nước và cá mà móc mồi khác nhau, lưỡi câu cũng phải thay đổi.

Người giăng câu phải có kinh nghiệm, không chỉ biết lúc nào câu lưỡi câu gì, mồi gì mà còn phải biết luồng cá đi, nghe tiếng cá trê chép miệng…

 * Đặt ống Trúm:

Ống trúm là dụng cụ chuyên dùng để đặt lươn. Trúm chỉ đặt vào đầu mùa nước nổi hoặc mùa tát đìa. Vào đầu mùa nước nổi lươn theo nước ăn trùn, dế, lươn chỉ ăn ở độ sâu khoảng 2-3 tấc. Người đặt trúm phải theo nước, nước lên đến đâu đặt trúm đến đó. Đặt trúm có mồi nấu cá, nhồi với bùn đất, vo thành cục tròn, sao cho dẽo, thấm nước, tan dần. Họ phải chở ống trúm bằng xuồng hoặc bằng cộ. Một người đặt hàng trăm ống trúm, phải đặt hết trước lúc tối để sáng hôm sau giở trúm.

* Nghề ủ mắm và nấu nước mắm

 Ngày xưa hầu như nhà nào ở Vĩnh Hưng cũng có một hoặc vài khạp mắm và nước mắm cá ủ. Nhất là mắm và nước mắm cá linh.

Vào mùa lũ, cá bắt nhiều ăn tươi không hết, một phần thì phơi khô, phần thì đem rửa sạch ướp muối dùng làm mắm và nấu nước mắm cá ủ ăn dần.

Ngày nay, nghề này vẫn còn tồn tại nhưng không nhiều như trước, chỉ cá biệt trong vài hộ dân.

Tóm lại:

Ngày nay, bửa ăn của người Vĩnh Hưng đã được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Nó tuỳ thuộc vào sự trao đổi, mua bán ở các chợ nông thôn hoặc các vụ mùa…

Trước đây, người dân Vĩnh Hưng thường sống tập trung ở dọc theo các bờ sông, bờ kênh hoặc các gò cao: Gò Măng Đa, Gò Ông Lẹt, Gò Châu Mai…nhà cửa được xây cất đơn sơ, tạm bợ.

Ngày nay, khi đến Vĩnh Hưng, các bạn sẽ thấy Vĩnh Hưng đang từng giờ thay da đổi thịt, những trường học, nhà trẻ, bệnh xá, cơ quan, nhà văn hoá và nhà cửa của dân đều được xây dựng khang trang trên nền cao hoặc cụm tuyến dân cư vượt lũ, góp phần thay đổi bộ mặt làng xã của một vùng nước ngập đồng chua.

Ngày xưa do đặc điểm của vùng là vùng ngập lũ nên phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng.

Ngày nay, Vĩnh Hưng đang trên đà phát triển, đường giao thông liên ấp, liên xã được mở rộng, các tuyến đường nhựa thẳng tấp nối liền trung tâm huyện với các xã làm cho việc đi lại càng thuận tiện với nhiều phương tiện phong phú hơn.

Ở một chừng mực nào đó văn hoá Vĩnh Hưng lại là sự kế thừa của văn hoá Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên văn hoá Vĩnh Hưng cũng mang những đặc điểm riêng, góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hoá của  vùng. Hiện nay cùng với tiến trình tiếp nhận dân cư từ khắp mọi miền đất nước, văn hoá của Vĩnh Hưng cũng có sự đan xen của văn hoá các vùng miền chứ không "nguyên bản" như trước đây. Do đó, ngoài vịêc tiếp nhận, phát huy những đặc trưng văn hoá từ nơi khác đến, thì việc bảo tồn những nét văn hoá truyền thống của Vĩnh Hưng cũng cần được chú trọng cho cả thế hệ hôm nay và thế hệ tương lai. Để cho mỗi người con của Vĩnh Hưng dù có đi đâu về đâu hay làm gì cũng cảm thấy tự hào khi nhớ về quê hương của mình.

Vĩnh Hưng là vùng kinh tế có xu hướng ngày càng mở rộng hơn trong lưu thông hàng hoá trong toàn vùng. Các nghề thủ công đã được hình thành ngay từ những ngày đầu mở đất đai và phát triển đến nay cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Sự đa dạng về đặc điểm tự nhiên và môi trường sinh thái - nhân văn của Vĩnh Hưng đã sản sinh ra một số nghề tuy không hình thành nên làng nghề nhưng mang tính chất truyền thống lâu đời: ủ mắm, nước mắm, đan các dụng cụ của nghề cá, nghề đánh bắt cá…, góp phần kiến tạo một diện mạo văn hoá của huyện, trong đó có diện mạo của nghề thủ công truyền thống cần được bảo tồn và phát huy, góp phần vào việc hình thành và phát triển du lịch của địa phương, làm cho du lịch từng bước trở thảnh một trong những ngành nghề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện nhà đế năm 2020./.


Văn hóa ẩm thực:

ẨM THỰC

Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An nói chung và huyện Vĩnh Hưng nói riêng được thiên nhiên ưu đãi vùng đất bạt ngàn cùng với phù sa do những con nước mang về bồi đắp vào những mùa lũ lụt hàng năm với nhiều loài thủy sản nước ngọt, động vật như các loại cá, rắn, lươn, chuột, ếch…. Từ các loại thủy sản trên, nhân dân đã chế biến ra rất nhiều món ăn mang đậm tính sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của người dân vùng sông nước.

1. Món cá lóc nướng trui

Thịt cá lóc có thể chế biến ra nhiều món: canh chua, cá lóc kho tộ, làm món khô để biếu trong những ngày lễ, tết …nhưng ngon hơn vẫn là món cá lóc nướng trui. Đây là món ăn đặc trưng gắn liền với tính dân dã của những người dân miền sông nước. Để thực hiện món cá Lóc nướng trui cũng không cần phải qua các bước phức tạp, sau khi cá được rửa sạch rồi xuyên cá vào một cái cây được vuốt nhọn phần đầu sau đó cấm cá từ miệng tới đuôi .Tiếp theo, cá sẽ được vùi vào những đống rơm khô, hoặc được cắm xuống đất, phủ rơm lên, đốt lửa, cho đến khi tro tàn. Sau khi cá chín, người chế biến sẽ rút cá ra khỏi cây, cạo sạch những phần bị cháy, cạo cả lớp vảy trên thân cá còn lại sẽ là phần thịt cá trắng tinh, thịt cá ăn rất thơm và ngọt. Bạn nên ăn kèm cá Lóc nướng trui với muối ớt, để cảm nhận được những mùi vị khác nhau: vị cay của ớt, vị mặn của muối và vị ngọt của cá Lóc tươi ngon, cộng với  mùi thơm của cá vừa được nướng rơm xong. Bạn có thể dùng cá để cuốn rau sống, báng tráng, hoặc gói cá bằng lá sen non chấm nước mắm me, ăn nghe chát chát, nhưng rất ngon và đậm đà hương vị đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, mỗi cách sẽ đem lại cho bạn những cảm nhận khác nhau.

2. Các món ngon từ thịt chuột

Huyện Vĩnh Hưng có hệ sinh thái rừng tràm rậm rạp và những cánh đồng lúa bát ngát đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài động vật bò sát trú ngụ: rắn, lươn, ếch, chuột,…chính những loài động vật tự nhiên đó đã tạo ra những món ngon đặc trưng vùng Vĩnh Hưng.

Chuột có ở nhiều nơi nhưng ngon nhất vẫn là chuột Đồng Tháp Mười vì mỗi khi mùa nước nổi đến nguồn thức ăn phong phú nên thịt chuột rất mập và mềm. Thịt chuột có thể chế biến thành rất nhiều món: muối sả chiên, xào lá cách, nhân bánh xèo kết hợp với măng, khìa nước dừa, xào rau răm, kho, rô ti, xào lăn, nướng, quay lu, làm khô … Đặc tính của thịt chuột là nhão như các loại thịt thỏ, thịt mèo, thịt dê. Vì vậy để chế biến thịt chuột được ngon là sau khi làm và rửa sạch phải để cho thịt thật ráo, rỏ hết nước, thịt săn rồi mới ướp gia vị và chiên hoặc nấu liền, nếu để lâu quá thịt có thể bị bủng, không dai, không ngon bằng thịt săn, mới làm. 

3. Các món ăn được chế biến từ cá linh

Mùa nước nổi, mùa bông điên điển nở vàng khắp cánh đồng, đó cũng là mùa cá linh về. Thiên nhiên chỉ ban tặng riêng cho vùng ĐBSCL loài cá đặc sản này, mỗi năm chỉ có một mùa duy nhất.

Cá linh ngon không chỉ mùi vị độc đáo, thịt ngọt, mềm thơm mà còn do nguồn gốc xuất xứ đặc biệt của nó. Cá linh sống ở vùng châu thổ sông Mekong, đến mùa nước nổi lại về với vùng Đồng Tháp Mười. Con cá linh đã in sâu trong ký ức của mỗi người dân vùng sông nước Đồng Tháp Mười là nguồn dinh dưỡng gắn liền với nhiều bữa cơm trong gia đình người dân Vĩnh Hưng mỗi khi mùa nước nổi về. Cá linh đầu mùa còn gọi là cá linh non, con nhỏ nhưng rất mềm và ngọt, nhai luôn cả xương. Cá linh được chế biến thành nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị quê hương: lẩu mắm cá linh, canh chua cá linh nấu với bông điển điển, cá linh nhúng giấm, cá linh kho lạt kèm với me non, cá linh chiên bột, …với món cá linh hấp, cá linh chiên giòn cuốn bánh tráng là món ăn được chế biến thật đơn giản nhưng mang lại cho thực khách khẩu vị khó quên: cá linh được mổ lấy ruột bỏ, không cần đánh vẩy, không bỏ đầu và chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt. Sau đó, ướp cá với gia vị phù hợp rồi đặt cá vào nồi hấp cách thủy, lửa liu riu đến khi nước vừa cạn, cá chín, đem cá ra dĩa, cuốn bánh tráng, rau sống, chấm với nước mắm tỏi ớt hoặc mắm nêm. Cá linh chiên cuốn với bánh tráng hay lá sen non, chấm mắm me ăn kèm với các loại rau như bông súng, hẹ, các loại rau thiên nhiên khác… Ăn cá linh sau khi chiên sẽ rất dòn có vị rất riêng khiến người ăn thật khó quên. Ngoài ra, món cá linh non nấu me non chấm bông điên điển cũng là món ăn đặc trưng mang đậm sắc thái của người dân Nam bộ.

4. Chế biến món ngon từ rắn

          Vào mùa nước nổi ngoài các loài động vật: cá, ếch, chuột,… rắn cũng xuất hiện ở huyện Vĩnh Hưng rất nhiều với chủng loại đa dạng: rắn nước, rắn hổ hành, rắn bông súng, rắn trun, rắn ri voi, rắn di cá. Rắn có thể chế biến thành nhiều món ngon: rắn nấu cháo, rắn nướng, rắn xào lăn, dồi rắn,…Người ta thường nấu cháo rắn với đậu xanh ăn có tác dụng bổ, mát.

          * Rắn nấu cháo đậu xanh:

Đầu tiên làm sạch thịt rắn sau đó để cho ráo sau đó chặt thành tứng khúc hoặc để nguyên con, khi thịt chín rồi mới chặt nhỏ ra hay xé thịt.

Nấu một nồi nước, bỏ đậu xanh nấu cho mềm. Sau đó cho rắn vào nấu, nêm gia vị cho vừa ăn. 

 Khi thịt rắn chín, vớt ra, xé nhỏ rồi thả thịt vào lại nồi cháo. Để lửa riu riu để giữ cho nồi cháo có độ nóng vừa phải, khi ăn thì múc ra chén, thêm tiêu, hành, gừng.

Món cháo rắn nấu đậu xanh có mùi thơm của thịt rắn và đậu xanh, cộng thêm vị béo từ mỡ và vị ngọt từ thịt rắn thật tuyệt vời.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
«« « 1 2 » »»