Vĩnh Hưng: Từ vùng trũng đến điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Nằm nơi cuối trời Tây Bắc tỉnh Long An, huyện Vĩnh Hưng – vùng đất biên giới mang đậm dấu ấn Đồng Tháp Mười – từng là vùng sâu, vùng xa với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, hạ tầng yếu kém và nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên. Thế nhưng, sau hơn một thập niên nỗ lực kiên cường, đến cuối năm 2024, huyện đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương tiêu biểu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây không chỉ là bước ngoặt trong hành trình phát triển mà còn là minh chứng sống động cho sự đồng thuận, quyết tâm từ Chính quyền đến Nhân dân.
Từ xuất phát điểm thấp... đến những bước tiến thần tốc
Với diện tích tự nhiên 37.816 ha, giáp ranh Campuchia hơn 45 km đường biên giới, Vĩnh Hưng sở hữu địa hình trũng thấp, đất phèn và điều kiện sản xuất phụ thuộc nhiều vào hệ thống thủy lợi. Địa hình nơi đây vốn bất lợi, mùa mưa gây ngập úng, mùa khô thiếu nước ngọt, kết cấu hạ tầng yếu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM vào năm 2011, Vĩnh Hưng chỉ đạt bình quân 4,9 tiêu chí/xã – một con số khiêm tốn so với mặt bằng chung cả nước. Thu nhập người dân còn thấp (chỉ 19,2 triệu đồng/người/năm), hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo gần 7%. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhiều xã giáp biên giới Campuchia khiến việc huy động nguồn lực và tổ chức triển khai gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, huyện Vĩnh Hưng đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Hàng loạt nghị quyết, kế hoạch hành động, cơ chế phối hợp được ban hành, kèm theo sự giám sát sát sao từ cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đến cuối năm 2024, toàn huyện có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), trong đó có 2 xã (Khánh Hưng, Vĩnh Bình) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Vĩnh Hưng đạt chuẩn đô thị văn minh. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới – sớm hơn 1 năm so với lộ trình Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI đề ra.
Huyện Vĩnh Hưng được Trung ương thẩm định đạt chuẩn huyện NTM năm 2024 (Ảnh: Minh Phương)
1.Kinh tế nông thôn khởi sắc rõ nét
Trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp của huyện là chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức sản xuất liên kết. Từ năm 2021–2024, sản lượng lúa bình quân hằng năm đạt hơn 359.000 tấn; tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm đến 95% diện tích. Các mô hình trồng sen, dưa hấu, mè và rau màu ngắn ngày không chỉ cải thiện thu nhập mà còn giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân đạt 83,88 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi và nuôi thủy sản quy mô hộ gia đình cũng được duy trì và phát triển. Diện tích nuôi thủy sản đạt 580 ha, năng suất bình quân 11,8 tấn/ha/năm. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ngày càng gắn với thị trường, từng bước giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
2. Hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ
Tính đến năm 2024, toàn huyện đã bê tông hóa được 417,4 km đường giao thông nông thôn nhờ sự chung sức của người dân hiến đất, đóng góp công sức và kinh phí. Tỷ lệ đường huyện được cứng hóa đạt 100%; đường tỉnh đạt 36,5%. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Tuy nhiên, huyện vẫn đối diện một số thách thức: hệ thống đê bao chưa khép kín, cơ sở hạ tầng giáo dục và y tế còn thiếu, nhà ở đạt chuẩn chỉ chiếm 59%, vẫn còn gần 1.500 căn nhà tạm, hệ thống xử lý chất thải chưa đồng bộ.
3. Văn hóa – xã hội chuyển biến tích cực
Vĩnh Hưng có tỷ lệ hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa là 87%; 87,8% số ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa; 08/9 xã đạt chuẩn xã văn hóa. Toàn huyện có 07 di tích lịch sử – văn hóa được công nhận, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia(). Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được gắn với tuyên truyền truyền thống cách mạng và giáo dục thế hệ trẻ.
Trong lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 50% – tăng gấp đôi so với năm 2010. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện tăng nhanh, đạt hơn 95% tính đến cuối năm 2024.
4. Huy động sức dân – điểm nhấn đột phá
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng. Trong giai đoạn 2011–2024, nhân dân hiến hơn 170 ha đất, đóng góp hàng ngàn ngày công, hơn 8 tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa, hơn 4 tỷ đồng cho nhà đại đoàn kết. Những con số ấy không chỉ phản ánh tài chính, mà là biểu tượng của niềm tin và tinh thần cộng đồng.
Vai trò lãnh đạo – chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ
Một trong những yếu tố then chốt giúp Vĩnh Hưng đạt được kết quả toàn diện trong xây dựng NTM chính là công tác lãnh đạo, điều hành xuyên suốt và sát sao từ huyện đến xã, ấp. Ban Chỉ đạo các cấp được kiện toàn, phân công trách nhiệm rõ ràng. Huyện đã ban hành trên 30 văn bản lớn để triển khai, giám sát chương trình NTM, đồng thời tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền sâu rộng.
Mỗi năm, huyện tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện với nhân dân các xã. Đây là điểm sáng trong công tác dân vận và phản ánh tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.
Xã Vĩnh Bình được công nhân đạt chuẩn NTM Nâng cao năm 2024 (Ảnh: Minh Phương)
Định hướng sau năm 2024: Vững bước xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu
Sau khi đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2024, Vĩnh Hưng đặt mục tiêu đến 2025 có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, từng bước nâng chất các xã đã đạt chuẩn. Trọng tâm là: phát triển kinh tế nông thôn bền vững, chuyển đổi số trong nông nghiệp, đầu tư hệ thống xử lý môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và nhà ở nông thôn. Vĩnh Hưng cũng xác định cần khai thác thế mạnh biên giới để phát triển du lịch sông nước, gắn với hệ thống kênh rạch đặc trưng và các di tích lịch sử – văn hóa hiện hữu, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn.
Từ một vùng biên giới xa xôi với khởi đầu đầy thử thách, Vĩnh Hưng đã vươn mình mạnh mẽ, viết tiếp hành trình phát triển nông thôn bằng chính bàn tay, khối óc và trái tim của hàng vạn người dân quê hương. Thành công hôm nay là minh chứng cho sức mạnh của sự đồng lòng, sáng tạo và kiên trì vượt khó. Từ “vùng trũng” của tỉnh Long An, Vĩnh Hưng đã trở thành điểm sáng về nông thôn mới nơi biên giới – một biểu tượng cho ý chí vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.
Minh Phương