Hội cựu chiến binh Vĩnh Thuận với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa gạo, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân vùng sâu.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần vào tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tích cực, hội CCB xã Vĩnh Thuận phối hợp với hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Thuận đã hình thành và phát triển được câu lạc bộ sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở 2 ấp: Ông Lẹt và ấp Xóm Mới với diện tích là 63 ha có 18 hộ tham gia, trong đó có 11 hội viên với diện tích 41,5ha. HTX nông nghiệp Vĩnh Thuận hỗ trợ lúa giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ, trong đó lúa giống hỗ trợ giá trên 80%.
Sau khi triển khai thực hiện mô hình điểm về sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao thì hội viên CCB và nhân dân hai ấp rất vui mừng, phấn khởi vì được hỗ trợ chi phí sản xuất; được các ngành chuyên môn trực tiếp hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng giải pháp toàn vụ như: sử dụng giống lúa cấp xác nhận, sạ thưa 100kg/ha, giống có chất lượng tốt phù hợp với vùng đất và yêu cầu tiêu thụ của thị trường, ruộng được san phẳng bằng máy cày, ứng dụng máy sạ lúa, bón phân, phun thuốc bằng máy, cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, vận chuyển lúa hàng hóa, bón lót phân hữu cơ và áp dụng đúng quy trình 1 phải 5 giảm,….Nhờ đó, ít tốn chi phí mà hiệu quả lợi nhuận rất cao. Sau khi thu hoạch năng suất đạt từ 7,1 đến 7,8 tấn/ha, với giá bán từ 7.800 đến 8.200đ/kg, trừ các khoản chi phí cán bộ, hội viên và nhân dân thu lợi nhuận từ 24 đến 29 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình hơn 2 triệu /ha, hội viên và nhân dân rất phấn khởi.
Thu hoạch lúa (Ảnh: Trương Văn Hải)
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp những khó khăn và hạn chế đó là: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn lớn để đầu tư, phát triển. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu hụt vốn đầu tư đang là rào cản lớn nhất trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nguồn nhân lực nông nghiệp là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, song hiện nay ở xã đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Phần lớn người nông dân không đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất. Do đó, Nhà nước, nhà doanh nghiệp cần đẩy mạnh chính sách tín vốn để hỗ trợ vốn, tập huấn sử dụng công nghệ tiên tiến cho nông dân.
Trong thời gian tới, hội CCB xã Vĩnh Thuận sẽ phối hợp với các ngành tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân tham gia thực hiện nhân rộng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hướng tới phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững đã được nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng là giải pháp ưu việt, tạo hướng đi mới trước tình hình nông nghiệp có nhiều biến động như hiện nay. Ðể thực hiện được mục tiêu, các địa phương trên đị bàn huyện Vĩnh Hưng trong đó có hội viên cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; bảo đảm lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm giúp lúa ít sâu, bệnh, mang lại sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn và góp phần bảo vệ môi trường đặc biệt là giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, giúp nông dân tăng lợi nhuận đáng kể so với phương pháp sản xuất truyền thống./.
Trương Văn Hải