image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Vĩnh Hưng: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”

       Trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai và xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt cơ bản 5 mục tiêu cụ thể, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết. Trong đó, huyện quan tâm lãnh đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thông qua thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới”. 

     Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy, các chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới tiến bộ được hình thành; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Đời sống văn hóa của nhân dân trong huyện ngày càng được nâng lên, phát triển phong phú, toàn huyện có 13.171 hộ gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 97,54%; có 54 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa chiếm tỷ lệ 100%; 100% cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cơ sở thờ tự đạt văn hóa; 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa và đô thị văn minh; 8/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển rộng khắp và thường xuyên, nhất là trong nhân dân, học sinh, hiện nay có gần 40% dân số tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên, số hộ gia đình thể thao là 29,80%.

Anh-tin-bai

Hội nghị Tổng kết phong trào xây dựng đời sống văn hóa huyện (Ảnh: Trần Rem)

     Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ được nâng lên; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Huyện hiện có 01 đội văn nghệ của huyện, 10 đội văn nghệ của xã, thị trấn, 100% ấp, khu phố có đội(43 Câu lạc bộ) văn nghệ. Các thiết chế văn hóa công cộng và thiết chế chế văn hóa - thể thao huyện, xã, khu dân cư được thường xuyên quan tâm đầu tư và có sự chuyển biến tích cực. Huyện có Trung tâm văn hóa - thể thao huyện, Trung tâm văn hóa, thể thao các xã được đầu tư xây dựng khang trang với nhiều phòng chức năng phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại địa phương. Toàn huyện có 01 sân bóng đá 11 người, 05 sân bóng đá mini, 43 sân bóng chuyền, 05 sân cầu lông, 03 bể bơi, 04 sân quần vợt do nhà nước và tư nhân đầu tư. 09 hộ và 01 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hoạt động thể dục thể thao. 100% xã, thị trấn có Đài truyền thanh, các trạm thông tin ở các ấp, các cụm pa nô, khẩu hiệu, cổng chào, thư viện phát huy hiệu quả.

      Các di tích lịch sử, di sản văn hoá vật thể, phi vật thể được phát huy, bảo tồn, tôn tạo. Trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng hiện có 2 di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia, 5 di tích được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Trong những năm qua, Huyện đã tập trung trùng tu, xây dựng mới các di tích lịch sử - văn hóa như: Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt, di tích lịch sử - văn hóa Gò Chùa Nổi (Chùa Cổ Sơn), Khu di tích lịch sử Gò Ông Lẹt, Nhà truyền thống Tiểu đoàn 504 - Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Công viên và Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Viết, các bia chiến thắng, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được đầu tư xây dựng gắn liền với chiến công ở địa phương,… Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện phần lớn là các phong tục, tập quán giá trị tốt đẹp của cư Nam Bộ được nghiên cứu, sưu tầm và giữ gìn. Đặc trưng văn hóa dân gian mang bản sắc của con người Đồng Tháp Mười như: Lễ hội Rằm tháng Giêng Chùa Cổ Sơn, đờn ca tài tử Nam Bộ... Đặc biệt, tại di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt xã Thái Bình Trung, hằng năm nhân Ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5 nhân dân trên mọi miền đất nước cùng tựu hội tổ chức Lễ giỗ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ và những người đã mất tại nơi đây, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Các hình thức lễ, kỷ niệm được tổ chức trang nghiêm, được nhân dân tham gia đông đảo, qua đó nhân dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần tô đậm thêm sắc thái văn hóa của địa phương và trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc ta đối với thế hệ trẻ hôm nay.

      Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thờ cúng tổ tiên của gia đình, người dân được tôn trọng. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt; tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân tiếp tục được phát huy; việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư văn hóa, gia đình… được triển khai thực hiện tích cực. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hoá từng bước được hoàn thiện. Công tác xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao tiếp tục được mở rộng. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao có bước trưởng thành…

Anh-tin-bai

Hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân (Ảnh: Trần Rem)

      Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa vẫn chưa tương xứng, chưa đủ mạnh và bền vững; xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh để tác động có hiệu quả của sự phát triển kinh tế - xã hội. Để xác lập, định vị đặc trưng văn hóa, con người Vĩnh Hưng đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục quan tâm hơn nữa. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng một môi trường văn hóa đặc trưng, đa dạng trong thống nhất của một vùng văn hóa giàu truyền thống và hội tụ nhiều giá trị cao đẹp; một môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc; xây dựng con người Vĩnh Hưng kết tinh những phẩm chất tốt đẹp về trí tuệ, kỷ luật và đồng tâm, văn minh và thân thiện…

      Để đáp ứng được các mục tiêu đặt ra, huyện đang quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của dân tộc, của con người Long An nói chung, huyện Vĩnh Hưng nói riêng  gắn với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; xây dựng con người Vĩnh Hưng phát triển toàn diện. Cùng với đó là tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Hưng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập.

Trần Rem – BTG/HU Vĩnh Hưng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh